Cử tri TP.HCM chất vấn dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Ngày mai (4-12), kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX - kỳ họp cuối cùng của năm 2018 sẽ khai mạc. Đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng như lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND TP bầu, công tác nhân sự...

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.

Bao giờ tái khởi động dự án chống ngập 10.000 tỉ?
Trước kỳ họp, cử tri TP.HCM đã gửi gắm nhiều tâm tư đến kỳ họp HĐND TP, trong đó nổi lên là những bức xúc về dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng.

Đây là dự án nhằm kiểm soát ngập cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, do Công ty Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công vào giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành sau ba năm. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4-2018, Công ty Trung Nam BT 1547 bất ngờ có thông báo tạm ngưng thi công. Lý do là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sài Gòn đã dừng giải ngân nên công ty không có tiền để tiếp tục thi công.

Đến nay dự án này vẫn đang ngưng thi công.

Bà Nguyễn Thị Đào (cử tri quận 4) cho rằng quận 4 gần kênh Bến Nghé, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường và việc ngưng thi công dự án ảnh hưởng đến đời sống người dân. “UBND TP có chỉ đạo cơ quan chức năng tháo gỡ để dự án sớm tái khởi động phục vụ đời sống người dân hay không” - bà Đào đặt câu hỏi.
Còn ông Đinh Văn Tiến (cử tri quận 4) thì cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã làm hệ thống cống thoát nước TP.HCM lạc hậu, không thể đáp ứng việc thoát nước trong điều kiện mưa bình thường, huống hồ là khi có bão như vừa qua. “Dự án chống ngập 10.000 tỉ ngưng thi công do mâu thuẫn giữa tư vấn giám sát hợp đồng và nhà đầu tư. TP phải nhảy vô giải quyết để dự án sớm triển khai và hoàn thành, phục vụ người dân” - ông Tiến đề nghị.
Cư tri Trương Văn Cư (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) đề nghị HĐND TP cho người dân được biết hiện nay dự án này trên địa bàn huyện Nhà Bè đã bồi thường và tiến hành thực hiện tới đâu.
Cử tri huyện Nhà Bè cho rằng chủ trương làm dự án chống ngập do triều cường của TP.HCM được người dân rất quan tâm, ủng hộ. Nếu công trình này hoàn thành thì đường phố sẽ không còn cảnh ngập do triều cường nữa. Nhưng suốt thời gian qua, người dân thắc mắc về dự án này, không biết chừng nào thực hiện tiếp tục, có làm nữa hay không. Theo ông Cư, trong khi TP đã thông qua việc xây dựng nhà hát giao hưởng ở quận 2 với kinh phí 1.500 tỉ đồng dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022, thì cũng cần nhanh chóng hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.
“Dự án này bao giờ xong?” - ông Hồ Văn Tám (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) đặt câu hỏi.

Xã hội đen đuổi chủ ra khỏi nhà ở quận 3?

Ngoài dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, cử tri TP.HCM cũng gửi gắm nhiều vấn đề nóng đến kỳ họp cuối năm của HĐND TP, trong đó có tình trạng xã hội đen cho vay nặng lãi.

Cử tri Nguyễn Thị Xuyến, phường Tân Định, quận 1, nêu ý kiến về việc quận 1 đã đập trụ sở khu phố 3. Ảnh: N.TRÀ

Ông Nguyễn Gia Cường (quận 3) cho biết tình trạng xã hội đen cho vay nặng lãi đã xuất hiện ở khắp nơi và xuất hiện tại khu phố ông đang ở làm mất tình hình an ninh trật tự. “Những đối tượng xã hội đen đã ngang nhiên đến nhà một người dân ở khu phố 3, phường 3 để đòi nợ, xiết đồ, đuổi chủ nhà ra khỏi nhà nhưng không thấy lực lượng công an phường đến can thiệp. Đây là hiện tượng có bảo kê hay không? Tôi đề nghị cơ quan chức năng giải quyết để người dân an tâm” - ông Cường đề nghị.
Liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cử tri quận Tân Bình đề nghị chính quyền TP nhanh chóng thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. “HĐND TP cần có ý kiến với Thành ủy về xử lý cán bộ liên quan đến các sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, đồng thời có chính sách, giải pháp giải quyết thấu đáo các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các hộ dân Thủ Thiêm bị ảnh hưởng trong thời gian dài do sai phạm của các cá nhân, cơ quan chính quyền gây ra” - cử tri quận Tân Bình nêu ý kiến.
Cử tri Nguyễn Văn Nhanh (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) cũng cho rằng người dân Thủ Thiêm bị ảnh hưởng bởi dự án cũng đã chịu bao cực khổ, đi khiếu kiện hàng chục năm nay. Do đó cử tri quận này đề nghị làm rõ trách nhiệm của đại biểu HĐND TP về vấn đề này như thế nào.
Ngoài những vấn đề trên, cử tri quận Tân Bình cũng đề xuất HĐND TP yêu cầu thanh tra hoạt động của các cơ quan quản lý xây dựng, quản lý đô thị của TP.HCM nhằm chống tình trạng nhũng nhiễu trong các cơ quan và một bộ phận cán bộ thực thi công vụ.
Đối với công tác quản lý đất công trên địa bàn TP, cử tri quận Tân Bình cho rằng chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích, mua bán chuyển nhượng trái quy định của pháp luật gây thất thoát tài sản công. “Đề nghị HĐND TP tăng cường giám sát, yêu cầu công khai việc đấu giá, chuyển nhượng đối với đất công để cử tri biết, góp phần vào công cuộc chống tham nhũng” - cử tri quận Tân Bình đề nghị.
Đối với tình trạng kẹt xe, ngập nước, cử tri quận Tân Bình cũng cho rằng chính quyền TP giải quyết chưa hiệu quả, chống ngập không đồng bộ, có khu vực thường xuyên ngập, phản ánh nhiều lần trong thời gian dài nhưng việc xử lý không triệt để như kênh Hy Vọng ở phường 15, quận Tân Bình.
Liên quan đến công cuộc lập lại trật tự vỉa hè, cử tri Nguyễn Thị Xuyến (phường Tân Định, quận 1) nói trụ sở sinh hoạt khu phố 3 bị "tháo dỡ oan uổng" một năm bảy tháng. Theo cử tri Xuyến, bà đã phát biểu nhiều lần với nhiều văn bản tới lui vẫn chưa thấy giải quyết. Bà cũng cho hay ở hẻm 74 Thạch Thị Thanh (khu phố 7) chỉ rộng 2 m nhưng một vị cán bộ về hưu xây tường rào hết 1 m để làm hàng rào bảo vệ nhà mình. Người dân trong hẻm hiện rất lo ngại nếu xảy ra những tình huống khẩn cấp sẽ khó thoát hiểm.
Còn đối với việc chống tội phạm, cử tri huyện Củ Chi đề nghị lãnh đạo các cấp nên thành lập lực lượng phòng, chống tội phạm, bằng cách bỏ lực lượng hiệp sĩ đường phố, thành lập lực lượng 141 như ở Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo HĐND về Thủ Thiêm

Kỳ họp sẽ khai mạc và kéo dài bốn ngày để bàn thảo nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, HĐND TP sẽ nghe Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kỳ họp cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND TP bầu. Những người được lấy phiếu phải đảm bảo điều kiện giữ chức vụ đó trong vòng chín tháng trở lên.

Tại kỳ họp, UBND TP cũng xin ý kiến HĐND về các đề án: Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực; chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn 2018-2022; chính sách giảm học phí bậc THCS...

Ngoài ra, HĐND TP cũng sẽ dành nguyên một ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến trong phiên chất vấn này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sẽ đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu đặt ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới