Cử tri TP.HCM tiếp tục kiến nghị các vấn đề về tiền lương, cán bộ nghỉ việc

(PLO)- Nhiều vấn đề về cải cách tiền lương; khan hiếm xăng dầu; cán bộ ngành y tế giáo dục nghỉ việc nhiều... đã được cử tri TP.HCM đặt ra tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 3 có buổi tiếp xúc cử tri quận 5, 8 và 11 sau kỳ họp thứ 4 QH khoá XV.

Tham dự buổi tiếp xúc có ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy; ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM.

Nêu ý kiến tại hội nghị, cử tri Trương Ngọc Phượng (phường 9, quận 5), cho rằng tình hình đời sống người dân hiện còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù QH đã có quyết định tăng lương cơ sở, tuy nhiên, cử tri rất mong QH sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương để phù hợp với tình hình xã hội.

dai-bieu-le-thanh-phong-se-tiep-tuc-co-y-kien-de-som-on-dinh-xang-dau

Cử tri quận 11 nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN YÊN

“Giá cả có xu hướng tăng cao trong khi mức tiền lương công chức, viên chức, người lao động còn thấp, đời sống nhân dân còn chật vật khó khăn” - cử tri Phượng nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, cử tri Bùi Thị Tuyết Mai (phường 5, quận 8) yêu cầu các ban ngành bình ổn giá cả thị trường sau khi được có quyết định tăng lương cơ sở.

“Dù người dân đồng tình với mức tăng lương cơ sở nhưng giá thị trường cũng tăng cao, đôi lúc cao hơn mức tăng lương. Do đó, đề nghị thực hiện các giải pháp bình ổn giá thì việc tăng lương mới giúp cho người dân có cuộc sống ổn định” - bà Mai phát biểu.

Cử tri Nguyễn Văn Tiên (quận 5) nêu vấn đề, hiện số giáo viên, nhân viên y tế, viên chức tại các cơ quan nhà nước nghỉ việc nhiều, trong đó có nguyên nhân lương thấp dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực.

“Mỗi năm các trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM nói riêng đào tạo ra hàng trăm cử nhân, vậy tại sao không đưa số cử nhân này để bù đắp vào các cơ sở trường học, bệnh viện?”- cử tri Tiên nói và đề nghị cần có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với các bệnh viện, trường học.

dai-bieu-le-thanh-phong-se-tiep-tuc-co-y-kien-de-som-on-dinh-xang-dau
Cử tri Đặng Văn Rành (quận 11) nêu đề xuất về tự chủ của bệnh viện. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Cử tri cũng đề nghị, QH cần sớm điều chỉnh tiền lương của cán bộ chuyên trách, không chuyên trách ở các cơ quan nhà nước.

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Trương Hồng Sơn (quận 8) cũng đặt vấn đề về tình trạng xăng dầu hiện nay. Ông cho rằng, từ khoảng tháng 10 đến nay nhiều cây xăng ngưng hoạt động, treo biển hết xăng, đang nhập hàng gây đảo lộn đời sống người dân. Một số cây xăng cho rằng họ lỗ nên không thể kinh doanh hoặc họ không nhập được xăng dầu.

"Tôi đề nghị Nhà nước có thêm các biện pháp bình ổn xăng dầu, tăng cường kiểm tra các cây xăng để ngăn chặn tình trạng đầu cơ” - ông Sơn phát biểu và cho biết nếu các doanh nghiệp xăng dầu khó khăn thì Nhà nước cần điều chỉnh.

Trả lời ý kiến của cử tri xoay quanh vấn đề tiền lương và nghỉ việc của giáo viên, nhân viên y tế, ĐB Nguyễn Tri Thức cho hay, có vấn đề nghỉ việc nhưng không hoàn toàn là do lý do tiền lương thấp.

Dẫn chứng đối với trường hợp bệnh viện Chợ Rẫy, ĐB Nguyễn Tri Thức cho hay tỉ lệ nghỉ việc tại bệnh viện này là dưới 2%. Ở các cơ sở y tế khác, tình trạng nghỉ việc còn xuất phát từ việc thiếu thốn thiết bị y tế, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao.

dai-bieu-le-thanh-phong-se-tiep-tuc-co-y-kien-de-som-on-dinh-xang-dau

Đại biểu Nguyễn Tri Thức trả lời ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỄN YÊN

“Chúng tôi đã từng có ý kiến về việc ngăn chặn sự dịch chuyển ngành y từ công sang tư gây mất bình đẳng trong y tế đối với người nghèo. Nếu không có các giải pháp căn cơ lâu dài thì sẽ tạo ra tình huống bác sĩ tinh hoa dịch chuyển ra bệnh viện tư. Bệnh nhân nghèo khi vào viện công sẽ không có cơ hội tiếp cận bác sĩ tay nghề cao”- Đại biểu Nguyễn Tri Thức phân tích.

Đại biểu Lê Thanh Phong cũng cho biết đã tiếp thu các ý kiến của cử tri các quận 5, 8 và quận 11 và sẽ gửi các ý kiến này đến đoàn ĐBQH TP.HCM để chuyển tải đến QH.

ĐB Lê Thanh Phong thông tin về hoạt động bình ổn giá và tháo gỡ các bất cập xăng dầu. Ảnh: NGUYỄN YÊN

ĐB Lê Thanh Phong thông tin về hoạt động bình ổn giá và tháo gỡ các bất cập xăng dầu. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Liên quan đến việc bình ổn giá, xăng dầu và cải cách tiền lương, ĐB Phong cho biết kiến nghị của cử tri về tiền lương đã được QH xem xét. Riêng về bình ổn giá, TP cũng có các giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá

Về xăng dầu, ĐB Phong cho rằng các kiến nghị của cử tri là xác đáng. "Bộ Công Thương đã có hai công văn khẩn cấp xin ý kiến Chính phủ, thời gian tới sẽ họp để đưa ra các giải pháp hữu hiệu để ổn định xăng dầu" - ông nói và cho hay sẽ tiếp tục có ý kiến để thời gian tới ổn định tình hình xăng dầu một cách sớm nhất.

Trước đó vào sáng cùng ngày, tổ ĐBQH đơn vị 2, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri quận 3 sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổ ĐBQH đơn vị 2 gồm bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH.

Tại hội nghị, cử tri Tạ Văn Thanh (phường 11) nêu ý kiến về việc xăng dầu có nhiều biến động trong thời gian qua. Cụ thể, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ phải đóng cửa, bán với số lượng rất hạn chế, người dân xếp hàng dài chờ mua xăng ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.

Cử tri Tạ Văn Thanh đề nghị cần giải quyết nhanh chóng vấn đề xăng dầu hiện nay. Ảnh: VÕ THƠ

Cử tri Tạ Văn Thanh đề nghị cần giải quyết nhanh chóng vấn đề xăng dầu hiện nay. Ảnh: VÕ THƠ

Cử tri Thanh đề nghị cần phải có giải pháp để xử lý tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng cả trước mắt lẫn lâu dài, tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi đầu cơ, tránh trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới …

Còn cử tri Bùi Thị Ánh Tuyết (phường 9) cho biết hiện nay nhiều người khi giao dịch mua bán trên mạng xã hội thường gặp phải tình trạng quấy rối. Không chỉ dừng ở nhắn tin, gọi điện, gạ gẫm nhiều thuê bao là đích đến spam quảng cáo, những lừa đảo chỉ vì ghi danh trên giao dịch trên internet.

“Cho đến thời điểm này nhà mạng chưa có biện pháp chế tài mạnh tay nào để xử lý. Vì vậy đối tượng này mặc sức hoành hoành, người dùng chỉ biết tự bảo vệ mình khi công khai thông tin cá nhân trên mạng"- bà Tuyết nói và đề xuất cần có biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên mạng xã hội.

Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VÕ THƠ
Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VÕ THƠ

Trao đổi vấn đề này ông Đỗ Đức Hiển cho rằng trước hết mỗi người cần phải có ý thức tự bảo vệ mình, nâng cao cảnh giác, khi cung cấp thông tin phải có mục đích rõ ràng.

ĐB Hiển cho biết hiện nay Chính phủ và Bộ Công an đã xây dựng các Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, quy định chặt chẽ về việc các tổ chức sử dụng dữ liệu cá nhân, giao dịch trên các môi trường, kể cả nước ngoài và tăng các chế tài liên quan đến các vi phạm.

Trong luật giao dịch điện tử, luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi cũng đã có những quy định chặt chẽ liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Tiếp thu ý kiến của cử tri bà Trần Kim Yến nhìn nhận có những vấn đề chưa sát thực tiễn, còn nhiều bất cập cần sửa đổi.

Bà Yến cũng thay mặt đoàn ĐBQH tiếp thu tất cả đóng góp của cử tri về vấn đề thành lập chính quyền đô thị, xăng dầu cũng như điều chỉnh giá cả…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm