Chiều ngày 27-8, trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM khẳng định: Những thay đổi, chỉnh sửa bổ sung của Luật Nhà ở về điều kiện mua nhà ở xã hội đã giúp tháo gỡ và khắc phục những tồn tại hạn chế trước đây về thủ tục hành chính và những quy định không còn phù hợp.
Luật Nhà ở mới gỡ thế bí cho người mua
Chẳng hạn như trong Luật nhà ở mới không quy định về điều kiện cư trú (trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú, có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên).
Luật cũng điều chỉnh, bổ sung quy định điều kiện về nhà ở cụ thể và mang tính định lượng, đó là chưa có nhà; chưa được hưởng chính sách nhà ở xã hội; có nhà ở nhưng diện tích bình quân thấp hơn 15 m2/người…
Cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó ngoài các quy định chi tiết “gỡ khó" cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn cho những người có nhu cầu chính đáng tiếp cận loại hình này.
Khoản 1 điều 29, Nghị định 100 quy định trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi người đó và vợ (hoặc chồng) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phân tích thêm: Ngoài việc quy định cụ thể tới trường hợp được thụ hưởng chính sách, Luật mới đã tháo gỡ các quy định gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân như thuật ngữ “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình" hay giới hạn quyền sở hữu nhà ở tại địa phương cấp tỉnh nơi có dự án.
"Như vậy, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đang sinh sống cùng gia đình nhiều thế hệ sẽ không phải đi tách khẩu để được chính quyền xác nhận là chưa có nhà. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở pháp lý thực hiện và không mất thời gian lăn tăn, loại bỏ được tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương trong việc xác nhận về sở hữu nhà của người dân" - ông Đính nói.
Mức thu nhập 15 triệu/tháng đủ trả nợ ngân hàng
Một điểm mới nữa của Luật Nhà ở 2023 là sửa đổi quy định điều kiện về thu nhập (áp dụng đối với đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân và cán bộ công chức). Nếu trước đây quy định thu nhập của người mua nhà ở xã hội là không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân thì nay đã được điều chỉnh và đưa ra mức cụ thể, phù hợp hơn.
Trong đó, đối với người độc thân thì thu nhập thực nhận không quá 15 triệu đồng/tháng; đối với người đã kết hôn, tổng thu nhập thực tế của hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng.
“Đây là sự điều chỉnh thông thoáng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân. Bởi lẽ, nhìn ở góc độ quản trị kinh doanh, nếu hội đủ các điều kiện khác thì với điều kiện về thu nhập như ở quy định mới này sẽ có thêm nhiều người tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng để mua được nhà ở xã hội” - ông Lệnh đánh giá.
TS Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng các quy định mới này là “thấu tình đạt lý”, phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân.
Bởi về bản chất, để mua nhà ở xã hội, người dân cũng cần có tích lũy nhất định. Nếu người dân có thu nhập quá thấp, hộ nghèo, cận nghèo, dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì cũng khó tích lũy đủ tiền để mua nhà ở xã hội.
Nhìn vào khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho người dân thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội thì yếu tố thu nhập cũng là một trong các yếu tố quan trọng để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM
Bởi lẽ nguồn trả nợ trong hoạt động tín dụng này chủ yếu là từ nguồn thu nhập của người vay. Vì vậy, sự điều chỉnh về điều kiện thu nhập có ý nghĩa thiết thực và giải quyết được những tồn tại, hạn chế trước đây trong tiếp cận vốn vay của người mua nhà ở xã hội.
Điều này sẽ không chỉ là yếu tố thuận lợi cho việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mà còn thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
Với lãi suất cho vay ưu đãi hiện nay đang là 6,5%/năm (sẽ thay đổi theo từng giai đoạn), thời hạn vay 20 - 25 năm được đặt trong mối liên hệ so sánh với mức thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng vẫn đảm bảo được việc trang trải cuộc sống của người dân.