Ngày 10-10, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh vừa có buổi làm việc trực tuyến Cục Hàng không Việt Nam về công tác rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong việc chuẩn bị đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết - hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT và một số nội dung khác có liên quan.
Phối cảnh Sân bay Phan Thiết. |
Dự án đầu tư xây dựng hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao từ năm 2014.
Trong quá trình triển khai, để đảm bảo sự phát triển về lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác sân bay, UBND tỉnh và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo đường dài cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m. Đồng thời, nâng công suất khai thác từ 500.000 hành khách/năm lên 2 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, hiện nay Hội đồng thẩm định liên ngành dự án sân bay Phan Thiết lại cho rằng việc điều chỉnh dự án sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E còn một số nội dung chưa thống nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT.
Cụ thể là việc không trùng lắp về khối lượng giữa mục hàng không dân dụng và hạng mục quân sự; dự báo lưu lượng khách, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mức thu phí dịch vụ, phương thức khai thác, vận hành dự án.
Thủ tướng Chính phủ đến công trình dự án Sân bay Phan Thiết hồi cuối tháng 8-2022. |
Ngoài ra, còn một số vướng mắc về cơ cấu nguồn vốn, nhiều hạng mục chưa có trong phương án đầu tư dự án, chỉ tiêu tài chính về chi phí duy tu sửa chữa định kỳ, năng lực và kinh nghiệm của nhà dầu tư, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng dự án xây dựng Cảng Hàng không Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng quân sự và dân dụng nên thủ tục về mặt pháp lý rất phức tạp, tỉnh Bình Thuận phải chủ động làm việc với các bộ, ngành để được hướng dẫn lập các thủ tục pháp lý có liên quan.
Đây là dự án của tỉnh Bình Thuận, nhưng cũng là dự án của Cục Hàng không Việt Nam. Do đó trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ trực tiếp làm việc với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan để thống nhất một số nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng Hàng không Phan Thiết.
Đoàn công tác Quân chủng Phòng không-Không quân làm việc hồi tháng 10-2021. |
Trước đó Đoàn công tác Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về các nội dung liên quan việc phối hợp triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng sân bay quân sự tại TP Phan Thiết.
Theo Sở GTVT, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành 545,56 ha gồm mặt bằng sân bay 542 ha. Đoàn công tác Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, hiện nay các gói thầu thi công và khu bay đã được các đơn vị thi công hoàn thành khoảng 70% khối lượng.
Từ nay đến tháng 9-2023, tập trung thi công phần kết cấu công trình nên cần nhiều vật liệu đặc thù cung cấp cho dự án. Theo đó, Sở GTVT kiến nghị tỉnh sớm hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Đồng thời, hỗ tháo gỡ khó khăn các vấn đề liên quan đến cung cấp vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu của dự án.
Giải quyết khó khăn liên quan đến nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ dự án, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở khối lượng nhu cầu vật liệu còn lại, trực tiếp khảo sát các mỏ đã cấp phép khai thác hoặc có trong quy hoạch được duyệt phạm vi gần khu vực dự án để tiến thành các thủ tục tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh dự án Sân bay Phan Thiết. |
Ngày 31-8, trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành, đơn vị đầu tư, nhà thầu phối hợp thúc đẩy các bước xây dựng dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công; triển khai theo quy hoạch; đầu tư cảng hàng không Phan Thiết theo hướng hiện đại, phát triển lâu dài theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thủ tướng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại mức đầu tư của hạng mục nhà ga hành khách dân dụng và năng lực chủ đầu tư BOT hạng mục này.
Nếu chủ đầu tư đáp ứng yêu cầu thì tiếp tục triển khai. Nếu không đáp ứng yêu cầu thì tiến hành đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng và giảm giá thành; phấn đấu hoàn thành các công trình dân dụng trong năm 2023.
Sân bay Phan Thiết được điều chỉnh từ cấp 4C lên cấp 4E với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng. Đây là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự với sân bay quân sự cấp I.
Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết với các máy bay code E trong giai đoạn đến năm 2030 cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.
Khi điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết, các cơ quan liên quan đã kéo dài đường cất hạ cánh sân bay từ 2.400 m lên 3.050 m, mặt đường lăn rộng 23 m, dải lăn rộng 43,5 m, đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO.
Phối cảnh Sân bay Phan Thiết. |
Sân đỗ máy bay cũng được mở rộng gồm hai máy bay code E, và bốn máy bay code C. Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, để đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Với quy hoạch điều chỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ được chia làm ba khu: Khu bay dùng chung cho cả mục đích dân dụng và quân sự; khu phục vụ hàng không dân dụng gồm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng và công trình hàng không dân dụng nằm độc lập; khu quân sự dành riêng đỗ máy bay quân sự, hạ tầng kỹ thuật quân sự.