Theo bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng đại diện Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam, trên trường quốc tế với tỉ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam là 74%, vượt mức trung bình toàn cầu 20 điểm phần trăm.
Nữ giới Việt ngày càng có tiếng nói
Thông tin này được bà Caroline Nyamayemombe đưa ra tại Hội nghị Phụ nữ 2023 với chủ đề "Dẫn dắt sự thay đổi" vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Theo vị này, ở nước ta hiện nay không chỉ tỉ lệ lao động nữ Việt Nam (VN) mà tỉ lệ nữ giới làm nhiệm vụ lãnh đạo cũng rất cao. Ước tính cứ năm doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở VN thì có một DN do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, tỉ lệ nữ giới đại diện trong Quốc hội cũng cao hơn so với trung bình toàn cầu, chiếm 30,26%.
Hội đồng quản trị công ty cũng có nhiều tiến bộ khi có tới 53% DN có ít nhất một phụ nữ tham gia vào vai trò lãnh đạo, có tiếng nói.
Chưa kể, hiện nay 80% DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM hoạt động hiệu quả trong thời kỳ đại dịch đều do phụ nữ lãnh đạo.
Những con số này cho thấy phụ nữ Việt Nam rất có khả năng lãnh đạo và mạnh mẽ, nhất là trong những giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.
Thêm vào đó, phụ nữ Việt Nam luôn biết cách sử dụng sức mạnh uyển chuyển cá nhân để nắm bắt cơ hội kinh doanh, điều hành DN, thể hiện tư duy của người dẫn dắt, đặc biệt trong bối cảnh có những biến động lớn hiện nay.
Có mặt tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc công ty TNHH Hải Nam, cũng cho biết ngành thủy sản đang đối diện với nhiều khó khăn trong xuất khẩu lẫn nội địa. Thế nhưng, đứng trước hàng ngàn nhân viên, bà vẫn đang tiếp tục vững tay chèo, lèo lái con thuyền vượt qua thử thách, tìm kiếm đơn hàng và nỗ lực chuyển đổi số để tăng năng suất lao động.
Lương nữ giới vẫn chỉ bằng 80% nam giới
Dù dẫn những con số tích cực về vai trò của nữ giới trong nền kinh tế, nhưng vị quyền trưởng đại diện UN Women thừa nhận một thực trạng đang diễn ra là dù cùng tính chất công việc song mức lương của nữ giới Việt Nam chỉ bằng 80% so với nam giới.
“So với mức trung bình của thế giới thì khoảng cách lương giữa các giới tính ở Việt Nam có vẻ nhỏ hơn nhưng vẫn còn thể hiện sự chênh lệch.
Tôi cho rằng cần phải có những sáng kiến nhằm bảo vệ và hỗ trợ các DN do phụ nữ lãnh đạo nhằm thu hẹp khoảng cách về quyền sở hữu trong kinh doanh.
Đồng thời, làm sao để tăng tốc và rút ngắn khoảng cách về thu nhập để việc trả lương cho nữ giới phải ngang bằng cùng với nam giới” - bà Nyamayemombe đặt vấn đề.
Để giải quyết các vấn đề trên, bà Nyamayemombe đưa ra ba hành động quan trọng mà phụ nữ có thể thực hiện để xóa bỏ rào cản, nâng cao vai trò của nữ giới.
Đầu tiên là thách thức các chuẩn mực xã hội. Chúng ta cần lên tiếng thay đổi các chuẩn mực xã hội liên quan đến vai trò của phụ nữ, bao gồm cả việc ủng hộ việc chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Thứ hai, cần thúc đẩy đầu tư vào kỹ năng xanh hóa và số hóa cho phụ nữ. Nâng cao khả năng cạnh tranh của nữ giới trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Thứ ba, xây dựng chính sách tài chính về khoảng cách giới. Theo đó, hỗ trợ thực hiện các chính sách giải quyết chênh lệch giới tính và nhấn mạnh vào việc đo lường tiến độ bởi những gì không được đo lường sẽ không được hoàn thành.