Trong Đông Nam Á, năng suất lao động Việt Nam chỉ hơn 3 nước

(PLO)-  Nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng Cục Thống kê vừa công bố kết quả Năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam giai đoạn 2011-2020 Thực trạng và giải pháp.

Năng suất lao động Việt Nam chưa bằng Singapore, Thái Lan

Những năm gần đây, Việt Nam có nhiều nỗ lực nâng cao NSLĐ nên đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động, gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).

Bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Đây là kết quả thể hiện thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nỗ lực nâng cao NSLĐ.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia, (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Singapore (1,7%/năm)…

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách với một số nước Asean có trình độ phát triển cao hơn.

So với một số nền kinh tế lớn của châu Á, khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần.

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 ngàn USD chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 59,1% của Thái Lan; 33,1% của Malaysia…

NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myamar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Chênh lệch tuyệt đối mức NSLĐ (PPP 2017) của Singapore và Việt Nam tăng từ 130,4 ngàn USD năm 2011 lên 144,1 ngàn USD năm 2020. Tương tự, Trung Quốc từ 6,1 ngàn USD lên 12,1 ngàn USD; Ấn Độ từ 1,3 ngàn USD lên 1,8 ngàn USD…

Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn.

Công nhân sản xuất tại một công ty chế biến thực phẩm

Công nhân sản xuất tại một công ty chế biến thực phẩm

Cần tháo gỡ chính sách tiền lương cho người lao động

Theo Tổng Cục thống kê, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế. Thay vào đó, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ.

Để giải quyết bài toán về tăng NSLĐ cần có chiến lược, giải pháp tổng thể và cần thực hiện một số giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chính sách phát triển khoa học công nghệ, tăng cường đổi mới sáng tạo trong DN.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ rào cản tài chính đối với DN bởi thiếu vốn nên DN không đầu tư lớn để cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ số.

Nhà nước cần có những giải pháp để hoàn thiện hệ thống tài chính, thị trường vốn. Tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn để có thể vay, đầu tư nhập khẩu công nghệ.

Ngoài ra, tiền lương, tiền công là chính sách đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần tạo động lực nâng cao NSLĐ.

So với các quốc gia trong khu vực Asean, năm 2020 tiền lương tối thiểu của Việt Nam đạt 190 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu của các nước Philippines (234 USD), Ấn Độ (319 USD); Trung Quốc (1.521 USD)…

Do đó, tăng lương, tạo động lực đối với người lao động nhằm tăng NSLĐ thì nhà nước cần có chính sách tiền lương cụ thể.

Đối với khu vực công, cần thiết kế cơ cấu tiền lương, tiền thưởng mới gồm mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới.

Đối với người lao động trong các DN, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm