Trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng và ý kiến các bộ ngành, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2025 sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Theo đó, Chính phủ chấp thuận: “Chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức sau: Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), Nhà chức trách hàng không Brazil, Nhà chức trách hàng không Canada, Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại tàu bay”.
Thực tế quy định trước đây, trong nước chỉ cho phép nhập khẩu các máy bay được Cục Hàng không liên bang Mỹ, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu, hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng nhận loại máy bay.

Điều này có nghĩa máy bay Trung Quốc sản xuất không nằm trong diện được nhập khẩu vào Việt Nam, do chưa được các đơn vị nêu trên cấp “chứng nhận loại máy bay”.
Với việc Chính phủ điều chỉnh quy định trên, các chủng loại máy bay được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được nới rộng ra.
Theo Bộ Xây dựng, quy định trước đây có phần giới hạn cho phép các máy bay khai thác tại Việt Nam. Hạn chế cơ hội của các hãng hàng không trong việc tiếp cận các loại máy bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của hoạt động hàng không, Bộ Xây dựng nhận định việc sửa quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung về máy bay, chủ động hoạt động khai thác máy bay. Qua đó, tăng cường nâng cao hợp tác hữu nghị quốc tế với các đối tác truyền thống.
Tháng 12-2024, hãng hàng không Vietjet báo cáo Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) về kế hoạch thuê ướt (thuê cả máy bay, phi hành đoàn…) hai máy bay C909 của nhà sản xuất máy bay Comac để bay chặng Hà Nội đi TP.HCM và Côn Đảo dịp Tết Ất Tỵ 2025. Tuy nhiên, kế hoạch này không thể thực hiện.
Sau đó, Vietjet tiếp tục đề nghị Bộ và Cục hỗ trợ thủ tục phê chuẩn giấy chứng nhận loại máy bay (TC Type Certificate) cho C909 theo hoạch định phát triển lâu dài.
Ngày 5-1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi tiếp ông Tan Wangeng, Phó chủ tịch Tập đoàn Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac). Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, sửa đổi quy định hiện hành để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đưa máy bay Trung Quốc sản xuất vào khai thác tại Việt Nam.
Để có căn cứ, từ ngày 15-1 đến 24-1, Cục Hàng không Việt Nam cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với Tập đoàn Comac và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc tại Thượng Hải để tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận loại máy bay ARJ21- 700 (C909)…
Trên cơ sở đó, Cục Hàng không đánh giá các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trong các nhãn mác trên máy bay.
Nhà chức trách hàng không nhận định việc đề xuất công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong nước trước bối cảnh thiếu hụt máy bay.

Máy bay Trung Quốc sẽ bán cho nước nào trong khu vực Đông Nam Á?
(PLO)-Đã có hai nước trong khu vực Đông Nam Á đặt mua máy bay Trung Quốc.