Ngày 29-12, đại tá đã nghỉ hưu Mikhail Khodarenok - người từng phục vụ trong ban chỉ huy tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga - đã trả lời phỏng vấn của đài RT về các máy bay chiến đấu "thế hệ thứ sáu" của Trung Quốc. Đại tá Khodarenok cho rằng đây là "bước đầu tiên" trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành ưu thế trên không trước Mỹ.
“Trung Quốc đã có những nỗ lực nghiêm túc để thống trị bầu trời trong thế kỷ 21. Sức mạnh không quân của Bắc Kinh, vốn sẽ sớm dựa trên máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, rõ ràng sẽ được sử dụng làm nền tảng để thuyết phục đối thủ của mình" - ông Khodarenok nhận xét.
Tuy nhiên, đại tá Khodarenok lưu ý vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu mẫu máy bay mới của Trung Quốc có thuộc vào thuật ngữ 'thế hệ thứ sáu' hay không.
Ông Khodarenok chỉ ra rằng khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu hiện đại không thể được xác định qua khung máy bay hoặc thậm chí là trang bị trên máy bay, dù là radar hay thiết bị điện tử hàng không. Theo ông, mấu chốt là hệ thống thông tin liên lạc tích hợp, có khả năng đưa nhiều loại vũ khí vào một mạng lưới điều khiển duy nhất.
“Theo lý thuyết, kết quả của các trận không chiến và chiến đấu hiện đại sẽ phụ thuộc vào nhận thức về tình hình chiến trường. Các máy bay chiến đấu hiện đại không đuổi theo nhau ở tốc độ 2 Mach hay là bám đuôi nhau [...] Ngay cả radar tốt nhất cũng sẽ chẳng có tác dụng gì nếu không có hệ thống thông tin hiện đại để quản lý tác chiến, như 'Hệ thống thông tin hậu cần tự động' (ALIS) trên 'máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất' F-35" - đại tá Khodarenok nói.
Ông Khodarenok đưa ra những bình luận trên với RT sau khi nhiều đoạn phim và hình ảnh về hai máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26-12 vừa qua xuất hiện trên các mạng xã hội.
Trong khi Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức, màn trình diễn của hai máy bay chiến đấu mới đã gây xôn xao trong giới chuyên gia trên toàn thế giới. Nhiều người cho rằng hai chiếc máy bay này sẽ là dòng "máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6" đầu tiên.
Chiếc máy bay có kích thước lớn hơn có thiết kế không có cánh đuôi, hình thoi, có ba động cơ và một hệ thống bánh lái chia đôi tinh vi. Chiếc máy bay được một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 hộ tống.
So sánh với chiếc J-20, máy bay chiến đấu mới này có vẻ lớn hơn đáng kể về kích thước và chiều cao, cho thấy thiết kế máy bay có thể bao gồm một khoang vũ khí rộng trong thân. Chiếc máy bay này được cho là có khả năng đảm nhận nhiệm vụ của máy bay tiêm kích ném bom như của Su-34 (Nga) hoặc F-15E (Mỹ).
Mẫu máy bay nhỏ hơn được máy bay J-16 hộ tống, có khung máy bay hình cánh mũi tên với hai động cơ và cũng không có cánh đuôi. Chiếc máy bay được cho là một máy bay chiến đấu đảm nhận nhiệm vụ tấn công và chiếm ưu thế trên không.