Ngày 29-12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc Nga sản xuất tên lửa siêu thanh Oreshnik là phản ứng trước việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tới châu Âu, đài RT đưa tin.
Ông Lavrov chỉ ra rằng sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019, Moscow vẫn tiếp tục tuân thủ các giới hạn chính do thỏa thuận này đặt ra.
“Tuy nhiên, việc đơn phương tuân thủ thỏa thuận này trên thực tế không còn khả thi nữa và chúng tôi sẽ phải từ bỏ nó" - ông Lavrov tuyên bố.
Ông Lavrov cáo buộc Washington phớt lờ yêu cầu của Moscow và Bắc Kinh rằng Mỹ không triển khai các dòng tên lửa này ra nước ngoài.
Trước tình hình này, Nga buộc phải đáp trả bằng "việc triển khai tên lửa Oreshnik trong chiến đấu thực tế, chứng minh năng lực và quyết tâm của Nga trong việc thực hiện các biện pháp đáp trả của Moscow" - ông Lavrov nhấn mạnh.
Vị ngoại trưởng cũng cáo buộc chính sách của Mỹ đã làm suy yếu nền tảng ổn định chiến lược và phá hủy sự ổn định ở một số khu vực.
Ông Lavrov khẳng định Nga không có kế hoạch quay lại đối thoại kiểm soát vũ khí với Washington vì lập trường "cực kỳ chống Nga" của Mỹ. Tuy nhiên, Nga vẫn tuân thủ một số giới hạn theo thỏa thuận trước đây và có quyền điều chỉnh chiến lược tùy thuộc vào mối đe dọa an ninh quốc gia từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mỹ chưa lên tiếng về phát ngôn của ông Lavrov.
Trước đó, hôm 26-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng mặc dù Nga chưa có nhiều tên lửa Oreshnik, nhưng "không loại trừ khả năng sử dụng hệ thống này ngay hôm nay hoặc ngày mai nếu cần thiết".
Ông Putin cũng cho biết sẽ triển khai một số đơn vị tới Belarus - đồng minh thân cận của Nga.
Đầu tháng này, ông Putin cũng tuyên bố tương tự rằng việc phát triển tên lửa Oreshnik là để đáp trả quyết định của Mỹ về việc triển khai tên lửa tầm trung của Washington ở Tây Âu.