Tác động “bão giá” lương thực thế giới đến Việt Nam

(PLO)- Dự báo thị trường lương thực thực phẩm thế giới sẽ còn tiếp tục tăng giá trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, nguy cơ mất an ninh lương thực tại nhiều quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên tục tổ chức các cuộc họp vì lo ngại mất an ninh lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mối lo đó đang ngày càng hiện hữu khi Ấn Độ đã dừng xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực trong nước; Indonesia, quốc gia sản xuất hơn một nửa lượng dầu cọ của thế giới đã tạm dừng các chuyến hàng xuất đi nhằm cố giữ giá dầu trong nước ở mức phải chăng; Thổ Nhĩ Kỳ ngừng xuất khẩu bơ, thịt bò, thịt cừu, dê, ngô, dầu thực vật; Trung Quốc ngừng xuất khẩu phân bón…

Xuất khẩu lương thực Việt Namnhiều lợi thế

Là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam (VN) khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, là nước sản xuất lương thực thực phẩm lớn, vấn đề an ninh lương thực trong nước luôn được đảm bảo trong mọi tình huống. Đặc biệt, việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông thủy sản của VN như gạo, cá, tôm, sắn… có nhiều ưu thế trong bối cảnh hiện nay.

Xuất khẩu thực phẩm, thủy sản Việt Nam sang nhiều nước đang gia tăng mạnh. Ảnh: QH

Xuất khẩu thực phẩm, thủy sản Việt Nam sang nhiều nước đang gia tăng mạnh. Ảnh: QH

Nhiều chuyên gia nhận định VN hiện đứng thứ ba về xuất khẩu gạo, khi giá lương thực tăng là cơ hội cho doanh nghiệp và nông dân bù đắp chi phí sản xuất đã tăng cao trong thời gian qua. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho các công ty sản xuất lương thực thực phẩm của VN mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hiện giá lúa gạo xuất khẩu đã bắt đầu tăng nhẹ 3-5 USD/tấn so với hồi đầu tháng. Cụ thể, giá gạo 5% tấm ở mức 418 USD/tấn, gạo 25% tấm là 398 USD/tấn. VFA dự báo xuất khẩu gạo của VN sẽ tăng trong những tháng tới do nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.

Đối với giá sắn, một trong những cây lương thực và cũng là cây công nghiệp chủ lực của VN, hiện cũng cao hơn hai năm trước khoảng 20%. Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn VN, cho biết với bối cảnh hiện nay, giá các loại lương thực, trong đó có sắn có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Hiệp hội dự báo kim ngạch xuất khẩu sắn năm nay của VN tiếp tục tăng trưởng tốt với kim ngạch sẽ đạt trên 1,2 tỉ USD.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của xuất khẩu sắn VN với tỉ trọng hơn 90%. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng từ thị trường châu Phi khi đây là nơi mà sản xuất lương thực còn hạn chế, đa số phải nhập khẩu từ bên ngoài.

“Hiện một số công ty trong hiệp hội đã sang châu Phi khảo sát và sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sắn cũng như xây dựng vùng nguyên liệu trồng sắn ở châu Phi, thay vì sản xuất ở VN rồi xuất khẩu sang. Đây là thị trường nhiều tiềm năng khi tỉ lệ người dân tự sản xuất cây lương thực, trong đó có sắn còn ít; kỹ thuật canh tác chủ yếu là quảng canh, năng suất thấp” - ông Lạng cho biết.

Nhiều ngành đối diện khó khăn

Lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, thực phẩm sử dụng nhiều bột mì, ngũ cốc… nhập khẩu đang gặp áp lực lớn do nguồn cung đứt gãy và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tương tự, giá nhiều loại phân bón đã tăng 30%-40% kể từ đầu năm nay. Thậm chí nhiều loại phân bón đã thiết lập mức cao kỷ lục mọi thời đại. VN hằng năm sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp, trong đó nhiều loại phải nhập khẩu nên giá phân bón thế giới tăng mạnh khiến thị trường trong nước không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Ngành chăn nuôi cũng gặp không ít thách thức vì giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh. Mới đây nhất, hàng loạt công ty thông báo tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm 300-400 đồng/kg. Các doanh nghiệp lý giải do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì… đều tăng cao nên buộc phải điều chỉnh tăng giá thức ăn cho phù hợp.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo hơi hiện nay so với tháng trước tăng không đáng kể trong khi thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ năm từ đầu năm 2022 đến nay. Với mức giá thức ăn chăn nuôi hiện nay thì giá heo hơi 60.000 đồng/kg mới hòa vốn. Thế nhưng hiện tại giá heo hơi chỉ dao động quanh mức 55.000-58.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. “Gần như giá tất cả mặt hàng đều đi lên, chỉ riêng thịt heo thì gần như không tăng” - ông Công nói.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi VN, nhấn mạnh: Nguồn cung thực phẩm chăn nuôi trong nước từ nay đến cuối năm vẫn đảm bảo, khả năng về nguy cơ thiếu thịt cuối năm khó xảy ra. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine hay việc Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì cũng đang tác động đến thị trường nội địa vì đây là một trong những nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

“Bối cảnh trên sẽ ảnh hưởng đến giá của thức ăn gia súc thành phẩm và giá sản phẩm chăn nuôi. Giá đầu vào đã tăng cao từ cuối năm 2019, có những loại tăng đến 100%, nay lại bồi thêm cú sốc nữa khi xảy ra chiến sự giữa Nga - Ukraine, đặc biệt Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. Hiệu ứng này chắc chắn sẽ tiếp tục tác động làm tăng giá” - ông Thắng nói.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN cũng cho rằng ngành này vẫn có thể tìm thấy những thuận lợi. Bởi khi thế giới khan hiếm về lương thực thực phẩm thì các công ty chăn nuôi trong nước có thể tranh thủ tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài.

Nhiều nước đang tăng nhập thủy sản Việt Nam

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản bốn tháng đầu năm nay đạt 3,57 tỉ USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng ở tất cả thị trường. Các mặt hàng thủy sản chính như cá tra, tôm đều có mức tăng trưởng ấn tượng.

Hiện nay nhu cầu tại các thị trường quốc tế đang hồi phục mạnh, trong khi nguồn cung lại không đủ đáp ứng. Đáng chú ý, xung đột Nga - Ukraine càng làm cho nguồn cung thủy sản toàn cầu thêm bất ổn.

Theo các công ty thủy sản, hiện nay nhu cầu của các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang tăng cao. Đây là cơ hội cho các công ty VN gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị phần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm