56% người lao động được tăng lương, làn sóng nghỉ việc chững lại

(PLO)- Tình trạng nghỉ việc ồ ạt hậu COVID-19 đã có dấu hiệu chững lại, dự đoán sáu tháng đến một năm tới, tỉ lệ nghỉ việc sẽ còn khoảng 17%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên đây là kết quả khảo sát của Anphabe - công ty tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh Phúc tại lễ xếp hạng 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022, ngày 9-11.

So với năm 2021, mặc dù tình hình kinh doanh năm nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn. Tính tới 9-2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định.

Giám đốc nhân sự các công ty dự báo mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%, tiếp tục tốt hơn năm nay.

Kết quả khảo cho thấy các doanh nghiệp vẫn mở rộng nguồn nhân lực để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Kết quả khảo cho thấy các doanh nghiệp vẫn mở rộng nguồn nhân lực để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Bên cạnh thu nhập từ lương, năm 2022 các doanh nghiệp đã cố gắng để người lao động được nhận khoản thưởng cho thành tích của 2021, trong đó gần 70% được nhận mức thưởng như dự kiến hoặc cao hơn, trung bình là 1,4 tháng lương.

Đáng chú ý, trào lưu nghỉ việc ồ ạt hậu COVID-19 đã có dấu hiệu chững lại. Dự đoán 6 tháng đến 1 năm tới, tỷ lệ nghỉ việc sẽ còn khoảng 17%.

Anphabe đánh giá đây chưa thể là con số lý tưởng, nhưng đã giảm khá nhiều so với tỷ lệ 23% của giai đoạn ngay sau đại dịch. Bên cạnh đó, sau đà giảm trong hai năm đại dịch, tỷ lệ nhân viên nhóm nòng cốt (những người nỗ lực cao vừa trung thành) đang có sự phục hồi trở lại, tăng ngược từ mức 50% năm ngoái lên 61% nguồn nhân lực năm nay.

Dù tình hình kinh tế tiếp tục có những khó khăn mới, nhưng nhiều doanh nghiệp đã làm tốt hơn vai trò xây dựng chiến lược và định hướng tương lai. Bằng chứng là chỉ số niềm tin của nhân viên vào tầm nhìn và chiến lược của công ty đã tăng lên ngưỡng 75% thời điểm tháng 9-2022 so với mức thấp kỷ lục 44% của quý III năm ngoái khi tình hình dịch bệnh và kinh doanh rất căng thẳng.

Ngoài ra, 46% doanh nghiệp Việt vẫn đang có kế hoạch mở rộng nguồn nhân lực với các lý do đáng khích lệ là mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư trước cho tương lai vì cần thời gian đào tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm