Một cung điện nằm bên bờ biển huyện Tuy Trung (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) của hoàng đế Trung Quốc đầu tiên Tần Thủy Hoàng vừa được phát hiện, theo báo South China Morning Post (Hong Kong).
Phần lớn tàn tích của cung điện nổi trên mặt biển. Ảnh: LIAOSHEN EVENING NEWS
Theo các nhà khảo cổ Liêu Ninh và Bắc Kinh thì cung điện này được xây dựng hơn 2.200 năm về trước - từ năm 221-207 trước Công nguyên và là một trong 200 cung điện Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng khắp Trung Quốc.
Các nhà khảo cổ phát hiện một mảng đá rộng khoảng 60 m2 được kết bằng nhiều hòn đá lớn mà họ tin rằng đó là nơi dùng để thực hiện các nghi thức cúng tế tôn giáo hay tổ chức các sự kiện quan trọng. Ngoài mảng đá rộng này các nhà khảo cổ còn tìm thấy một con đường bằng đá chạy xuyên qua cung điện.
Một số tàn tích cung điện có thể nhìn thấy khi thủy triều xuống thấp. Ảnh: LIAOSHEN EVENING NEWS
Các ngư dân địa phương cho biết họ có thể nhìn thấy các bức tường đá của cung điện nổi lên khi thủy triều xuống thấp. Họ cũng cho biết trước đây đã từng tìm thấy nhiều đồng xu và đồ gốm cổ ở dưới đáy biển.
Trước khi cung điện này được phát hiện, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy tàn tích của TP Nhạc Dương (tỉnh Hồ Nam) - thủ phủ của vương triều Tần Thủy Hoàng trong thời Chiến Quốc.
Đó là ba tòa nhà cổ lớn - tòa nhà lớn nhất rộng 920 m2, cùng với nhiều mảnh đá lát và mảnh vỡ gốm. TP Nhạc Dương nổi tiếng là nơi có rất nhiều cải cách chính trị dưới thời Tần Thủy Hoàng và là cái nôi dẫn đến thành lập hệ thống luật pháp Trung Quốc.