Cuộc chiến mùa xuân thách thức thế nào với cả Ukraine lẫn Nga?

(PLO)- Các chuyên gia hình dung nhiều thách thức từ quân sự đến chính trị mà quân Ukraine và cả quân Nga phải đương đầu khi cả hai bên bước vào cuộc chiến mùa xuân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù có những ưu và nhược điểm riêng, quân Nga lẫn quân Ukraine đều phải đương đầu nhiều thách thức khi cùng bước vào cuộc chiến mùa xuân, tờ Newsweek dẫn ý kiến nhiều chuyên gia.

Sau một năm xung đột với tần suất giao tranh ác liệt không ngừng, quân 2 bên đều phải chịu mức độ thương vong cao và đã tiêu hao một lượng lớn vũ khí. Điều này dẫn đến việc không một bên nào có thể khởi động cuộc tấn công lớn vào mùa xuân như những gì đã dự báo, các chuyên gia đánh giá.

Thương vong quá nhiều

Theo Biên tập viên Guy McCardle của tạp chí quân sự SOFREP (Mỹ), “một điểm chung của cả hai bên vào thời điểm này là số lượng lớn thương vong”.

Trao đổi với Newsweek, cựu Đại úy Thủy quân Lục chiến Mỹ Matthew Hoh nói rằng quân đội của hai bên “đã mất rất nhiều sĩ quan và chỉ huy, có thể bao gồm cả các cấp chỉ huy cao”.

Binh sĩ Ukraine điều khiển thiết giáp MT-LB ở TP Bakhmut (Ukraine) vào ngày 11-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Binh sĩ Ukraine điều khiển thiết giáp MT-LB ở TP Bakhmut (Ukraine) vào ngày 11-3. Ảnh: GETTY IMAGES

Giáo sư khoa học chính trị William Reno tại ĐH Northwestern (Mỹ) nói với Newsweek rằng mức độ thương vong cao đã ảnh hưởng lớn đến cả hai lực lượng.

Ông nói: “Không rõ bên nào được lợi nhiều hơn, nhưng một cuộc chiến tranh tiêu hao chống lại quân đội Nga không phải là lựa chọn có lợi cho Ukraine. Nga có thể huy động thêm binh lính”.

Vũ khí không còn nhiều

Giáo sư Mark N. Katz tại ĐH George Mason (Mỹ) cho rằng sau khi quan sát tất cả diễn biến từ quân sự đến chính trị ở các bên thì ông nhận thấy “xung đột Nga-Ukraine đã lên đến đỉnh điểm” và “cả hai bên đều gặp vấn đề”.

Giáo sư Katz nêu quan điểm rằng cả hai bên đang phải đối mặt với vấn đề trong việc sản xuất các thiết bị thay thế và vũ khí để bù vào số lượng đã tiêu hao.

Một chiếc xe tăng Nga bị lực lượng Ukraine phá hủy bên vệ đường ở tỉnh Lugansk thuộc vùng Donbass (đông Ukraine) cuối tháng 2. Ảnh: AFP
Một chiếc xe tăng Nga bị lực lượng Ukraine phá hủy bên vệ đường ở tỉnh Lugansk thuộc vùng Donbass (đông Ukraine) cuối tháng 2. Ảnh: AFP

Một loại khí tài chủ lực là thiết giáp cũng sẽ phát sinh vấn đề vào mùa xuân, theo ông McCardle. Về phía Nga, nếu thiết giáp hư hỏng do điều kiện thời tiết thì sẽ rất khó tìm kiếm phụ tùng thay thế do nguồn cung khan hiếm. Về phía Ukraine, nếu những chiếc xe tăng mới mà phương Tây gửi qua bị hỏng, Kiev phải đưa chúng ra nước ngoài để sửa chữa. Thêm vào đó, xe tăng chiến đấu từ phương Tây như Leopard 2 hay M1 Abrams cũng đang “chậm đến Ukraine”.

“Với những gì quân đội Ukraine đang sử dụng, thật khó để họ thực hiện một cuộc tấn công trực diện chống lại các xe tăng chiến đấu chủ lực mới hơn của Nga” - ông McCardle nhận định.

“Phụ tùng của Ukraine nhằm thay thế cho nhiều hệ thống do Liên Xô sản xuất cũng đang dần khan hiếm và Kiev phần lớn trông chờ vào nguồn cung cấp từ phương Tây” - ông nói thêm.

Theo Giáo sư Katz, “ngay cả những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine cũng đang gặp phải các vấn đề về sản xuất, cũng như lo ngại về việc giữ đủ nguồn cung vũ khí cho nhu cầu của chính họ”.

“Nga cũng đang gặp vấn đề về sản xuất. Moscow có ít nhà cung cấp hơn so với Ukraine. Quyết định xuất khẩu vũ khí sang Nga của Trung Quốc có thể tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với Bắc Kinh khiến Bắc Kinh có thể muốn tránh xa” - theo Giáo sư Katz.

Yếu tố thiên nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến quân hai bên do hiện tượng tan băng vào mùa xuân ở Ukraine dẫn đến địa hình lầy lội khiến việc di chuyển bằng xe bọc thép trở nên rất khó khăn. Băng tan cũng sẽ khiến nhiều máy móc hạng nặng khác kẹt trong lớp bùn dày, theo ông McCardle.

Sự ủng hộ đã giảm

Việc duy trì sự ủng hộ chính trị và ủng hộ từ người dân là một trở ngại lớn đối với cả hai quốc gia, cựu Đại úy Thủy quân Lục chiến Mỹ Matthew Hoh nhận định.

Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal (trái) và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bắt tay nhau sau khi Ba Lan chuyển giao những xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 đầu tiên đến Ukraine ngày 24-2. Ảnh: TWITTER
Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal (trái) và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bắt tay nhau sau khi Ba Lan chuyển giao những xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 đầu tiên đến Ukraine ngày 24-2. Ảnh: TWITTER

“Thách thức lớn của Nga là giữ sự ủng hộ của người dân với cuộc chiến. Điều đó cũng có nghĩa là ngăn các quốc gia khác về phe Ukraine và giữ các quốc gia, như Thổ Nhĩ Kỳ, là đối tác thương mại mạnh mẽ” - ông Hoh nêu quan điểm.

“Ukraine cũng chia sẻ thách thức này. Kiev cần duy trì sự ủng hộ của phương Tây đối với cuộc chiến” - cũng theo ông Hoh.

“Việc rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine đã trở thành một vấn đề chính trị lớn ở cả lưỡng viện quốc hội Mỹ - nước vốn đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Vấn đề này cũng đang gây chia rẽ ở các nước châu Âu” - ông Hoh nói thêm, lưu ý rằng những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với việc viện trợ cho Ukraine đang giảm dần.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm