Cuộc chiến trả đũa Mỹ - Nga chưa biết sẽ tới đâu

Quan hệ Mỹ - Nga dù đã ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh nhưng có vẻ tình hình sẽ còn xấu và nguy hiểm hơn với việc gần đây hai nước liên tục có những bước đi trả đũa rắn với nhau.
Hai bên liên tục trả đũa
Ngày 16-4, Nga tuyên bố trừng phạt tám quan chức cấp cao Mỹ và thông báo trục xuất 10 nhà ngoại giao Washington cũng như áp nhiều hạn chế mới với các nhà ngoại giao và các trụ sở ngoại giao Mỹ tại Nga. Nga thông báo hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ của Mỹ hoạt động tại Nga, cân nhắc áp các biện pháp mạnh lên các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Nga. 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết Nga đã đề nghị Đại sứ Mỹ tại Moscow - ông John Sullivan trở về nước để tham vấn nghiêm túc và chi tiết các vấn đề giữa hai nước. Đại sứ Nga tại Mỹ đã về nước từ tháng 3, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng tình với phát ngôn của người dẫn chương trình phỏng vấn trên truyền hình rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ giết người”.
 Tình hình là đang có rất nhiều lớp chồng lấn và cần phải được nghiên cứu chi tiết. Hơn nữa, thỉnh thoảng có những điều khó hiểu xảy ra ở Washington, hoặc ít nhất là những điều không hoàn toàn rõ ràng. Vì thế ông Ushakov (trợ lý chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Nga) đã đề xuất rằng Đại sứ John Sullivan về nước và tham vấn nghiêm túc, chi tiết lại. 
Ngoại trưởng Nga 
SERGEI LAVROV nói về lý do Nga muốn Đại sứ Mỹ về nước

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Vladimir Putin (phải) đang thận trọng quan sát nhau. Ảnh: EPA/DW

Nga đi bước trả đũa này chỉ một ngày sau khi chính phủ Tổng thống Biden thông báo trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga và một loạt lệnh trừng phạt với Nga liên quan các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, tấn công mạng các cơ quan và công ty Mỹ, bắt nạt Ukraine, chiếm đóng và vi phạm nhân quyền ở Crimea. 
Trong danh sách Mỹ trừng phạt có sáu công ty công nghệ Nga bị cáo buộc ủng hộ hoạt động tấn công mạng của tình báo Nga, 32 thực thể và cá nhân Nga bị cáo buộc dính đến chuyện can thiệp bầu cử Mỹ, tám cá nhân và thực thể bị cáo buộc liên quan việc Nga chiếm đóng Crimea.
“Vòng tròn leo thang”
Nói về các bước đi mới nhất của Nga, bản thân Ngoại trưởng Lavrov cũng thừa nhận rằng đó là “phản ứng trả đũa” với các động thái ngày trước đó từ phía Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga còn cảnh báo các bước đi vừa rồi “chỉ là một phần trong các khả năng sắp xếp của chúng tôi”. 
Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo rằng Mỹ nên “cho thấy sự thận trọng bằng cách từ bỏ con đường đối đầu”, nếu không Nga sẽ trả đũa không sót bước trừng phạt nào của Mỹ. Còn nhớ ngày 15-4, Nga thông báo sẽ chặn các tàu hải quân và tàu chính phủ nước ngoài đi vào eo biển Kerch, biển Azov và nhiều khu vực ở biển Đen - phát ngôn mà NATO và Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích mạnh.
Về phía Washington, ngày 16-4, ngay sau khi phía Nga thông báo trả đũa, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố mình có quyền phản ứng mọi hành động trả đũa của Nga, dù Mỹ chẳng thích thú gì chuyện dính vào một “vòng tròn leo thang”. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin ngày 13-4, Tổng thống Biden nói rõ ông không muốn leo thang căng thẳng nhưng có thể sẽ còn mạnh tay hơn nếu bắt buộc phải thế.
Dù tuyên bố thế nhưng ông Biden cũng nói rõ quan điểm “giờ là lúc giảm leo thang, con đường tiến về phía trước là thông qua đối thoại một cách chín chắn và qua tiến trình ngoại giao”. Bên cạnh mời ông Putin dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu do ông chủ trì vào tuần tới, ông Biden còn đề xuất ông Putin cùng gặp thượng đỉnh với ông tại một địa điểm ở châu Âu vào mùa hè này. 
Ông Biden nhấn mạnh ông muốn làm rõ và củng cố quan điểm của Mỹ với Nga, cũng như có rất nhiều vấn đề hai nước có thể làm việc cùng nhau. Trong số này có thể kể đến hiệp ước kiểm soát vũ khí New START, kiềm chế đe dọa hạt nhân như Iran và Triều Tiên, ngăn chặn khủng bố quốc tế, chấm dứt đại dịch COVID-19, ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Theo nhà bình luận về các vấn đề thế giới Frida Ghitis của hãng tin CNN, một cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin có thể giúp ngăn chặn rủi ro leo thang cũng như cho phép hai ông hiểu rõ hơn về quan điểm hai nước ở hàng loạt vấn đề. Ở đây, rõ ràng ông Biden đã “chìa cành ô liu” với Nga, tuy nhiên chưa rõ ông Putin sẽ phản ứng thế nào.
Theo nhà bình luận Ghitis, sau hai thập niên ở vị trí nắm quyền lực, ông Putin rất có kinh nghiệm ứng xử với các lãnh đạo Mỹ. Với hàng loạt động thái như bỏ tù nhân vật đối lập Alexei Navalny và huy động lượng lớn quân đến sát Ukraine, ông Putin có thể đang muốn thử quyết tâm của ông Biden.
Tuy nhiên, điều này chưa chắc sẽ có hiệu quả gì với ông Biden khi theo nhà bình luận Ghitis, thế giới hiện không có nhiều lãnh đạo có được kinh nghiệm chính sách đối ngoại sâu sắc như ông Biden.
Nhìn chung, hai vị lãnh đạo này đang rất thận trọng quan sát nhau và tình hình tới đây sẽ còn khó nói.•

 Nga trừng phạt cả ông Trump

 
Các quan chức cấp cao chính phủ Mỹ bị liệt vào danh sách trừng phạt của Nga đợt này gồm: Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ Christopher Wray, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Avril Haines, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, Cố vấn chính sách đối nội Susan Rice, Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas. Giám đốc Cục Nhà tù liên bang Michael Carvajal. 

Ngoài các đương kim quan chức này, trong danh sách bị Nga trừng phạt còn có cả cựu tổng thống Donald Trump, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Robert James Woolsey, Jr.

Ngày 16-4, ông Bolton nói ông “tự hào” vì mình có trong danh sách bị cấm vào Nga, vì điều đó công nhận ông “là một tiếng nói đại diện cho quyền lợi Mỹ”. Nhân vật này lâu nay vẫn được xem là chính trị gia có quan điểm diều hâu nhất của chính phủ ông Trump về chính sách đối ngoại, trong đó có với Nga. Tuy nhiên, ông Bolton bị ông Trump sa thải hồi tháng 9-2018 vì bất đồng nhiều vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm