Đặc biệt, theo ghi nhận chưa đầy đủ, năm nay các phòng giáo dục có sự thay đổi rất rõ trong cách ra đề văn. Đề ra theo hướng mở, đề cập tới nhiều vấn đề thời sự để HS suy nghĩ, vận dụng kiến thức thực tế vào bài làm.
Chẳng hạn đề thi kiểm tra học kỳ 2 môn văn lớp 9 của quận 8, câu 2 (3,0 điểm) yêu cầu HS “Lấy nhan đề: “Vỉa hè cho người đi bộ” hãy viết một văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy) để trình bày suy nghĩ của em”. Trước đó, đề có nêu vắn tắt nội dung thời sự về chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của UBND TP. Cũng đề thi này, câu 1 đưa ra trích đoạn tả một phụ huynh cũng trên đường đi đón con. Nhưng khác biệt là khi thấy một đám tang đi qua, người đàn ông này đã lặng lẽ bước xuống xe, lấy mũ bảo hiểm đang đội trên đầu cầm tay rồi đứng thẳng người, cúi đầu... Bên cạnh các câu hỏi ngữ pháp, đề yêu cầu HS “viết từ 3 đến 5 câu nêu cảm nhận của em về hành động của vị phụ huynh”.
Đề kiểm tra Học kỳ 2 môn văn lớp 9 của Phòng Giáo dục quận 8
HS Minh Thu (Trường THCS Dương Bá Trạc) cho hay em và các bạn rất thích thú với cách ra đề năm nay. “Đề không nặng lý thuyết nhưng buộc chúng em phải động não, vận dụng hiểu biết trong cuộc sống và đọc tin thời sự thì mới làm bài được” - em này nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề cách ra đề thi này, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục quận 8, TP.HCM, cho rằng đây là dạng câu hỏi mang tính thời sự để các em vận dụng kiến thức từ cuộc sống vào bài thi. Đồng thời, quận cũng qua đó muốn tăng cường ý thức khi tham gia giao thông của HS. Các em nhận thức được vấn đề vỉa hè là dành cho người đi bộ, từ đó sẽ lan tỏa đến gia đình và cộng đồng. Về cách chấm điểm, ông Dân cho hay sẽ chấm điểm dựa trên cách trình bày khách quan của các em. Riêng những em có ý kiến riêng, như giải pháp để khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè chẳng hạn sẽ được điểm cao. “Những nội dung trong đề thi này cũng đều nằm trong các hoạt động ngoại khóa ở nhà trường nên chúng tôi không đánh đố HS” - ông Dân nói thêm.
Trích đề thi Học kỳ 2 môn văn lớp 9 của Phòng Giáo dục quận 1.
Ngoài ra, đề thi văn của Phòng Giáo dục quận 1 có câu đề cập đến người Việt trẻ dốt nát và lười biếng cũng được nhìn nhận là thiết thực và có tính vận dụng cao.
Chiều 21-4, cô KN, giáo viên văn của một trường THCS ở quận 3, cho biết gần đây ngành giáo dục có yêu cầu đổi mới đánh giá năng lực HS qua các đề kiểm tra. Đề thi có các yêu cầu: Nhận diện, thông hiểu, vận dụng từ thấp đến cao. Cô N. nhận xét những năm gần đây đề thi, kiểm tra nhiều nơi đã có hơi thở cuộc sống, buộc HS phải quan tâm đến nhưng chuyển động của xã hội, biết nêu ý kiến đánh giá. Có những đề hướng đến kỹ năng sống, như một cách đánh động HS rèn kỹ năng sống cũng quan trọng như việc tích lũy kiến thức. TP.HCM đã tiếp tục đổi mới hơn ở câu phân tích văn học. Có phân tích, cảm nhận thơ trong chương trình, cộng với liên hệ thực tế đời sống. “Nói chung, đổi mới ra đề nhằm tạo được sự hứng thú cho người dạy và học, tránh học tủ, khuôn mẫu. Quan trọng là người ra đề chọn dữ liệu sao cho thuyết phục” - cô N. nói.