Cuộc sống nhếch nhác ở nơi từng có dịch tiêu chảy cấp

Những ngày cuối tuần, đường dẫn vào khu dân cư lô 9, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM, nằm cách đường lộ khoảng 500 m lầy lội, ẩm ướt chỉ vừa chiếc xe máy chạy qua. Khu vực này hơn một tháng trước là tâm điểm của dịch tiêu chảy cấp cướp đi sinh mạng của một bé gái.

24 hộ dân sống hàng chục năm ở đây như một ốc đảo, tách biệt với bên ngoài. Đa phần họ sống dựa vào nghề nuôi cá. Kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh, điều kiện sống của họ ở mức thấp.

Ruồi nhặng bu đầy trên những bao chất thải và đồ đạc để gần. Ảnh:Duy Trần

Gia đình ông Lê Quang Trung, người có cháu gái 10 tháng tuổi mất vì dịch tiêu chảy cấp có 3 ao nuôi cá trê. Nước màu xanh rêu, tanh tưởi nổi lềnh bềnh bao nylon, rác thải. Trên bờ, ruồi nhặng bu đầy những bao thức ăn ôi thiu ông Trung mang về nuôi cá. Ngay cạnh đấy, hai con nhỏ của ông bưng tô cơm ngồi ăn ngay mải miết.

Cầu tõm đặt trên ao cá, nơi vệ sinh xưa nay của gia đình ông Trung đã được UBND xã Lê Minh Xuân vận động xóa bỏ sau chuyến thị sát của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hồi đầu tháng 8. “Giờ gia đình 8 người đi vệ sinh ở bìa rừng”, ông Trung vừa nói vừa chỉ tay về khoảng rừng tràm cách nhà 50 m.

Tuy nhiên, cậu con út của chủ nhà lại cho rằng gia đình còn một cầu tõm nữa nằm ngay trong nhà, sát bên giường ngủ, chất thải được đưa thẳng xuống ao cá bên dưới. Xung quanh giấy vương vãi, ẩm ướt bốc mùi hôi thối.

Không chỉ mất vệ sinh, người dân còn chịu cảnh mất nước triền miên. Trạm cung cấp nước sạch cách đó 2 km chưa có đường ống dẫn đến những hộ dân. Để có nước sử dụng, những gia đình như chị Bảo Hân sẽ đấu ống nước từ ngôi nhà cách đó 200 m có sử dụng hệ thống nước sạch. Do đường ống xa, những lúc đông người sử dụng, nước không đủ để nấu ăn chứ chưa tính đến chuyện tắm rửa, giặt giũ.

“Muốn ăn ở sạch sẽ cũng khó. Nhiều khi chờ 1-2 ngày mới có nước tắm giặt. Rửa chén, xoong nồi nhiều khi mang ra ao rửa tạm. Khổ vậy nhưng nước tới 36.000 đồng một mét khối, cao hơn nơi khác đến 10.000 đồng”, chị Hân bộc bạch.

Thiếu nước, nhà chị Hân phải mua từng thùng nước 20 lít đóng sẵn. Mỗi ngày gia đình 6 người của chị tiết kiệm lắm cũng hết 2 thùng, mất 24.000 đồng. Song, tình trạng thiếu nước uống vẫn diễn ra thường xuyên do nhà chị cách chỗ đổi nước hơn 500 m, đường lầy lội khó đi.

Cầu tõm nằm ngay trong nhà và cách giường ngủ vài bước chân. Ảnh:Duy Trần

Trao đổi với VnExpress, ông Trương Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân cho biết, UBND thường xuyên tuyên truyền, vận động 24 hộ dân trong khu vực giữ gìn vệ sinh, ăn chín, uống sôi tránh dịch tiêu chảy bùng phát trở lại. Với trường hợp đi vệ sinh ngay trong bìa rừng sát nhà, UBND xã hướng dẫn xây nhà vệ sinh tự hoại chứ không hỗ trợ xây nhà vệ sinh kiên cố được.

Lý do là khu dân cư này thuộc dự án của nông trường lâm nghiệp Lê Minh Xuân nên người dân chỉ có thể canh tác, còn việc định cư lâu dài như hiện nay là trái phép. "Việc kéo nước sinh hoạt cũng rơi vào trường hợp tương tự do chủ đầu tư không thể kéo đường ống vào vùng đất đã quy hoạch", ông Hạnh nói.

Trường hợp người dân làm cầu tõm ngay trong buồng ngủ, vị Phó chủ tịch xã đã đi kiểm tra. "Cầu tõm này họ bảo là nơi nuôi gà. Nói vậy tôi cũng chịu vì cái này là nhà ở của họ mình không can thiệp được. Nhận thức người dân chưa cao nên nhiều lúc UBND cũng bất lực", ông Hạnh trần tình.

Trước đó, giữa tháng 7, có 9 người dân ở khu vực này mắc bệnh tiêu chảy, trong đó có 3 trẻ phải nhập viện. Đến cuối tháng, một trẻ trong nhóm tử vong tại bệnh viện Nhi Đồng 2.

Theo Duy Trần/VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới