Nguy cơ phát dịch lớn qua nguồn nước

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng như các chuyên gia dịch tễ tỏ ra lo lắng sau khi Bộ Y tế tổ chức một đoàn vào TP.HCM lấy mẫu nước kiểm tra tại các nhà máy, hộ gia đình tại TP.HCM vào tháng 7 vừa qua. Kết quả cho thấy lượng clo trong nước ngay tại nhà máy quá thấp hoặc bằng 0; có nơi lượng mangan, sắt vượt ngưỡng quy định, lại thêm nhiễm khuẩn đường ruột do E. coli, coliforms. Những vấn đề trên được đề cập tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND TP.HCM ngày 5-8.

Nguồn nước nhiễm khuẩn cao

Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, lo lắng cho biết khu vực xảy ra tiêu chảy cấp ở huyện Bình Chánh đa số người dân xài nước ao cá, có cầu tiêu trên ao cá nên khả năng lây lan tiêu chảy cấp rất cao. Mặc dù có nơi có nước máy nhưng nước yếu hoặc đục nên họ không sử dụng. Do vậy cần đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, cung cấp nước phải clo hóa hoàn toàn, hướng dẫn người dân ăn chín uống sôi, diệt ruồi.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM kiểm tra chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn tại khu vực lấy nước của Nhà máy cấp nước Tân Hiệp. Ảnh: TRUNG THANH 

Cũng vấn đề nguồn nước, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết trong tháng 7, Bộ Y tế tổ chức một đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại TP.HCM. Qua kiểm tra hơn 150 nhà máy và một số hộ gia đình, lấy hơn mẫu 240 nước kiểm nghiệm cho thấy tình trạng vệ sinh chung đảm bảo nhưng sà lan vận chuyển, bồn chứa nước cũ làm tăng nguy cơ tái nhiễm khuẩn. “Chúng tôi khuyến cáo các đơn vị chủ quản phối hợp cùng ngành y tế tích cực kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở này đảm bảo chất lượng nguồn nước” - ông Hà cho biết.

“Người dân biết dùng nước như thế nào!”

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông báo: Kết quả kiểm tra của Bộ cho thấy có ba nhà máy nước lớn nhất, có công suất trên 1.000 m3 là Thủ Đức, Bình Chánh và Phong Phú (Bình Lợi 3) đều không đạt chỉ tiêu clo dư ngay từ gốc; lượng mangan, sắt đều cao hơn mức cho phép, có khả năng gây nhiễm độc. Theo Bộ trưởng, nếu lượng clo trong nước không đảm bảo thì chắc chắn nước sẽ nhiễm khuẩn, đầu tiên là vi khuẩn dịch tả lây qua đường nước. Có những nơi không phát hiện được clo dư trong nước (quận 8, Bình Tân, Nhà Bè), như vậy những nơi này vi khuẩn sẽ sống do nước không được khử khuẩn. “Nước chảy qua ống nước còn nhiễm vi khuẩn thì người dân biết dùng nước như thế nào!” - Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Ngoài ra, một loạt trạm cấp nước dưới 1.000 m3 có vi khẩn coliforms (tác nhân gây tiêu chảy), có nơi cao gấp 10 lần cho phép (tiêu chuẩn cho phép 50 vi khuẩn/100 ml) như một trạm cấp nước quận 8 (đến 510 vi khuẩn/100 ml), quận Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ… “Vi khuẩn E. coli cũng có trong các trạm cấp nước ở quận 8, Nhà Bè, Cần Giờ” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Y tế, nếu không giải quyết vấn đề này sớm thì nguồn nước sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân lâu dài, còn trước mắt sẽ có khả năng bị dịch đường ruột như dịch tả. Các nhà khoa học dự báo khu vực TP.HCM sẽ có thể bùng phát dịch lớn qua nguồn nước và nguy cơ tử vong cao. “Rõ ràng công tác cung cấp nước của chúng ta có vấn đề. Hà Nội cũng phát hiện tương tự TP.HCM. UBND TP cần giúp đỡ dân, giúp ngành y tế bớt các nguồn dịch lây qua đường nước” - Bộ trưởng đề nghị.

DUY TÍNH

Không thể chủ quan

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế cho rằng bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết sắp vào mùa mưa nên không thể chủ quan. Hiện trước mắt, đáng ngại là các bệnh đường ruột như tả, tiêu chảy; chưa kể cúm H7N9, H5N1, viêm não Nhật Bản, các viêm não khác và đáng lo ngại các dịch bệnh mới nổi đang rình rập vào Việt Nam. Bộ trưởng khuyến cáo vấn đề phòng bệnh là rất quan trọng. Do vậy TP và cả nước không để thiếu thuốc, vaccine… như thời gian qua. TP sắp tới triển khai tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, Bộ sẽ cấp vaccine đủ cho TP.

Đại diện Tổng Công ty Cấp nước TP.HCM (Sawaco) cho biết hiện công ty đã cấp nước sạch được cho 90% hộ dân, chỉ còn 10% hộ dân chưa được cấp do ở vùng sâu, vùng xa, cần đầu tư lớn nên giải pháp trước mắt là cung cấp nước bằng xe bồn. Dự kiến đến cuối năm 2014, 100% người dân sẽ được cung cấp nước sạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm