Cuốc xe ôm duyên phận của người ‘vô danh’

(PLO)- Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài phản ánh về những phận người ‘vô danh’ các nhân vật đã được cấp giấy tờ tùy thân.

Những ngày đầu tháng 9, lúc tôi đang ở Singapore thì nhận được tin nhắn kèm bài viết “Trang đời mới của những phận người vô danh” trên báo Pháp Luật TP.HCM. Đó là bài viết về gia đình anh Võ Văn Sung, ba đời “vô danh” pháp lý, dù vẫn có họ tên đầy đủ.

Sự gặp gỡ tình cờ với người vô danh

Tôi quen biết anh Sung rất ngẫu nhiên vào một chiều cách đây hơn sáu tháng. Hôm đó, tôi ra sân bay vội. Lúc này, Grabbike không biết đường vào chung cư, không dám hỏi khách đặt, cứ chạy loanh quanh. Sợ trễ, tôi hủy chuyến. Vừa ra trước cổng, một xe ôm truyền thống U70 tới mời. Hỏi giá, tài xế bảo “anh trả người ta bao nhiêu thì trả tôi bấy nhiêu”.

Lên xe, trò chuyện, mới hay cuộc đời anh thăng trầm hơn tiểu thuyết. Cả nhà anh 5 người gồm hai vợ chồng, hai con trai và cháu nội đều không có giấy tờ nào tùy thân. Ai trong cảnh mới thấu hiểu bao gian truân của đời người vô danh. Con cưới vợ, không thể làm hôn thú. Cháu ra đời, không thể làm khai sinh. Xin việc, không ai dám nhận.

Hai con trai anh, ngoài 40, mượn giấy người khác chạy grabbike, mấy lần bị phạt vì “giả mạo giấy tờ”, đành bỏ cuộc. Không giấy tờ tùy thân, nên hai người con anh Sung chỉ có thể làm công nhật và phải nhờ người khác bảo lãnh. Lâu lâu, cả nhà phải đóng phạt vì “cư trú bất hợp pháp”, dù đã ở TP.HCM mấy chục năm qua. Anh kể chuyện nhẹ nhàng, chịu đựng, không oán trách. Mới nghe, cứ tưởng “chuyện những người thích đùa” thời @.

Hôm sau, tôi tìm nhà anh Sung. Lần theo con hẻm sâu, rất hẹp, ngoằn ngoèo dẫn tới căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc phường 13, quận 4. Căn nhà độ 8 mét vuông, gác chừng 4m, không bàn ghế. Anh dặn, chừng nào ghé, nhớ điện thoại, tui chạy về. Sợ phiền, sợ anh mất khách nên tôi nói chị, đừng gọi cho anh. Chị cho biết, hai vợ chồng trước 1975 cũng có giấy tờ đầy đủ.

Do cuộc sống nên phải thay đổi chỗ ở nhiều lần, đi kinh tế mới, về TP.HCM bám trụ hơn 40 năm nay.

Cả xóm ai cũng biết rõ gia đình anh chị. Nghe vợ anh Sung kể mà rưng rưng, cám cảnh. Tôi liền điện thoại mời anh bạn, một người bạn trước đây là bên Ban Kinh tế Thành Đoàn ghé nhà anh Sung “thực địa” và nhờ gỡ khó. Người bạn có xuống ghi nhận và hứa sẽ hỏi quận tìm hướng giải quyết giấy tờ tùy thân cho gia đình anh Sung. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng yêu cầu phải có chủ quyền nhà hoặc hộ khẩu, mới cấp CCCD theo quy định. Thế nhưng, nhà anh Sung chạy ăn từng bữa chưa xong, lấy đâu tiền mua nhà. Anh kể, trước đây, nhiều người biết chuyện, cố giúp nhưng cũng không được.

Lúc đó, anh Sung chỉ dám mơ, cháu nội có khai sinh để được vào mẫu giáo công lập, khỏi đem gởi học trong chùa vì không thể cho cháu học dân lập hay tư thục.

Ông Võ Văn Sung cùng tác giả bài viết vui mừng trong ngày ông Sung có thẻ căn cước. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhờ báo thông tin hỗ trợ để có giấy tờ tùy thân

Không nản lòng, tôi tiếp tục nhờ anh Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM để gỡ vướng.

Lúc nghe anh Hiển bảo: “Anh cho em số điện thoại, số nhà để phóng viên xuống thực tế”.

Trùng hợp thay, lúc ấy báo Pháp Luật TP.HCM đang thực hiện vệt bài "Mở lối cho những phận người vô danh ở TP.HCM". Vậy là trường hợp anh Sung trở thành chất liệu và là một trong những ví dụ điển hình cho vệt bài.

Và rồi vài ngày sau, báo Pháp luật TP.HCM đăng tải loạt bài “Mở lối cho những phận người vô danh ở TP.HCM”, trong đó có nêu trường hợp của anh Sung.

Tháng 6-2024, anh Sung điện thoại báo tin, giọng vui hơn trúng số “Cháu nội tui đã có khai sinh. Cứ tưởng chuyện trong mơ. Tui đã tự thưởng cho mình 1 lon bia. Mừng quá”.

Anh thú thật là sau hôm chở tôi ra sân bay, rồi tôi tìm đến nhà, thấy tôi quá nhiệt tình nên anh cũng ráng hy vọng. Mấy lần thất vọng nên không dám tin nhiều. Bây giờ thì anh tin, rất tin, rằng mọi ước mơ đều có thể, chỉ là chưa gặp đúng người, chưa đúng dịp. Gần đây nhất, anh lại tíu tít gọi zalo, báo tin vui là cả nhà đã có giấy báo lên quận làm căn cước.

Cả nhà anh Sung từ đây sang trang đời mới vì ai cũng có danh phận, bình đẳng với thiên hạ sau bao năm tủi cực làm người vô danh. Có căn cước, anh sẽ chuyển từ xe ôm truyền thống qua grabbike để có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Hai con anh có thể tìm việc làm chính danh và tính chuyện lập gia đình hợp pháp.

Tin vui liên tiếp, làm anh ngỡ ngàng. Anh tâm sự, vui nên khỏe hẳn ra, còn hơn cả hạnh phúc. Nghĩ lại, giật mình vì nhiều lúc nản chí, muốn buông xuôi nhưng vì vợ con, phải cố gắng vượt lên chính mình. Dù chỉ nói chuyện qua điện thoại, tôi nghe giọng anh khác hẳn, ấm áp, đầy lạc quan nên cũng vui lây vì mấy việc bao đồng mình làm có kết quả, mang chút niềm vui cho người khác.

Được biết trước đây và hiện nay TP.HCM đang rà soát lại toàn bộ hộ tịch, tháo gỡ vướng mắc thủ tục, để ai cũng có danh phận rõ ràng. Có người gần đất xa trời, lâm trọng bệnh; cũng được tận tình giải quyết. Những việc làm thiết thực này, thay lời muốn nói - là món quà lớn đầy ý nghĩa.

Xin cảm ơn những nhà báo dầm mưa, dãi nắng, xông xáo thu thập, kiểm chứng thông tin, đề xuất biện pháp với những bài viết nhân văn, tràn đầy nhiệt huyết, làm đẹp cuộc sống. Vẫn còn rất nhiều người đang cần và chờ các bạn tiếp sức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới