Câu chuyện trùng tu Chùa Cầu làm nóng mạng xã hội những ngày qua. Có yêu, có thương mới có ý kiến. Và ý kiến thì có khen, có chê. Nhưng chính những ý kiến góp ý đó cũng là lời cảnh tỉnh cho các địa phương, cơ quan quản lý di sản khi tính đến những phương án trùng tu di tích, để, cùng chung tay gìn giữ di sản cho con cháu muôn đời sau.
PLO xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Kiến trúc sư Dương Văn Việt, một người con của Quảng Nam xung quanh câu chuyện trùng tu Chùa Cầu:
Gần đây tôi có về thăm ba, mẹ luôn tiện ghé qua Chùa Cầu, vì nơi đây đã từng gắn liền với tôi cả một quãng thời thơ ấu. Ngày đó, mỗi ngày, tôi đều chở mỳ quảng xuống chợ Hội An cho mẹ bán, đều đi ngang qua Chùa Cầu và qua các dãy phố. Cũng từ đây nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kiến trúc sư và trong tôi luôn dành một tình yêu lớn cho ngôn ngữ kiến trúc truyền thống, nó là nhân chứng cho ta nhìn về quá khứ chân thật nhất.
Thời gian qua dư luận xôn xao về việc phục dựng Chùa Cầu không còn tính nguyên sơ ban đầu. Vậy ban đầu ở đây là gì, chắc chắn sẽ không có hình ảnh về nó, nhưng với hình dạng hiện có và nước sơn cũ còn xót lại thì tính ban đầu rất “mới mẻ”.
Theo cá nhân tôi dưới góc nhìn của một người làm kiến trúc, đã phục dựng thì phải cho sơn phết lại hết và dùng đúng VẬT LIỆU VÀ MÀU SẮC nguyên bản của nó (chi tiết này là một đề tài khoa học). Có như vậy mới đảm bảo hết tính chân thật của công trình và hơn nữa cấu kiện công trình được bảo vệ lâu dài hơn, đây mới là hồn cốt bên trong cần được bảo vệ.
Và khi công trình hoàn thành chúng ta như sống lùi về thời gian hơn 400 năm trước, được chiêm ngưỡng hình hài ban đầu của Chùa Cầu, rất đẹp và thơ mộng bên dòng Sông Hoài nhưng không đánh mất tính cổ kính, trang nghiêm. Chứ không phải mốc meo, loang lỗ như chúng ta nhìn thấy hằng ngày để rồi vô tình đánh mất một di sản lớn, chỉ vì nhìn nhận một cách ước lệ chung chung.
Chúng ta nên thực tế mạnh dạn khi trùng tu các di tích thì phải làm đến cùng, sự cần thiết phải khoác một tấm áo để bảo vệ bản thân nó và tấm áo đó là “tấm áo đã mặc ban đầu”. Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản những công trình cổ của họ vẫn mới mẻ và trùng tu sơn phết thường xuyên, có công trình gần ngót 1000 năm mà các hệ cột vẫn uy nghi mới mẽ. Mới đây Điện Kiến Trung ở Huế cũng được trùng tu sơn son thép vàng, vẫn đẹp và cổ kính đấy thôi.
Trở lại với câu chuyện phục dựng Chùa Cầu sau gần 18 tháng và theo quan sát của cá nhân tôi, công tác phục dựng Chùa Cầu định hướng theo phương án “trùng tu hạ giải” đã diễn ra rất thành công, đảm bảo tính chân thật tôn trọng từng chi tiết kiến trúc và đặc biệt gia cố triệt để phần kết cấu từ móng đến mái của toàn bộ công trình kể cả ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần có chức năng trị thủy. Các cấu kiện kiến trúc từ chi tiết hoa văn, đầu hồi, mái ngói, rui mè, con đội, cột và ván lót sàn, phần lớn được giữ lại. Đối với những cấu kiện hư hỏng được thay mới nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực dựa trên cái cũ.
Tuy nhiên khi quan sát bên trong, các cấu kiện gỗ chưa khéo léo. Đặc biệt ở phần màu sơn, cũ mới phân biệt quá rõ ràng mang tính chắp vá và còn nhiều chi tiết hoa văn, bông gió chưa xử lý. Nếu cứ để như vậy thì với thời tiết cực đoan như miền Trung, thời gian sau lại phải thay mới thì còn gì là bảo tồn, còn gì hồn cốt công trình.
Trên đây là ý kiến cá nhân mang tính chủ quan, nhưng với một tình cảm đặc biệt và sự góp ý chân thành cho các công trình cổ không riêng gì Chùa Cầu, chúng ta nên mạnh dạn bỏ cách trùng tu chắp vá và phải làm đến cùng để con cháu chúng ta sau này khi sờ vào từng thớ gỗ, mãng tường mà cảm nhận được hơi ấm quá khứ.
Đấy mới là bảo tồn!
Một số hình ảnh chụp tại Chùa Cầu ngày 30-7-2024: