Tôi đặt tên con là Trường Huy: Trường có nghĩa là dài, Huy là huy hoàng. Tôi mong con một đời vẻ vang, hiển hách, ít ra thì cũng khá giả. Nó mất rồi, nó hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Vinh quang đó nhưng cũng xót xa lắm cô ơi!”.
10 năm đã qua đi nhưng nỗi đau thì vẫn âm ỉ cháy. Ông là Phạm Kiêm Chính, ba của liệt sĩ Phạm Trường Huy, người lính cứu hỏa đã hy sinh trong trận chiến với giặc lửa năm 2007. Anh hy sinh khi mới tròn 22 tuổi.
Bỏ đại học đi nghĩa vụ quân sự
Chú Chín chùa (tên gọi khác của ba anh, ông Phạm Kiêm Chính) tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thượng Hiền (phường 4, quận 3, TP.HCM). Năm nay ông đã 62 tuổi, ông bị tai biến mới gượng dậy được hơn tháng nay. Câu chuyện đứt quãng, chắp nối bởi những khoảng lặng.
Ông Phạm Kiêm Chính lặng người bên những tấm ảnh của con trai ngày còn bé. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Huy là anh cả trong gia đình có ba anh em. “Huy nó học khá, học xong là về nhà chứ không đi la cà chơi đâu. Nó học võ cổ truyền từ nhỏ, từng được huy chương bạc toàn quốc đó cô! Hồi đó, nó đậu đại học nhưng khi có kết quả trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nó cất giấy báo đi nghĩa vụ luôn”.
Lần cuối cùng gặp con ông vẫn còn nhớ lắm, đó là ngày 10-3 âm lịch. Cơ quan con tổ chức đi dự lễ, tầm 7-8 giờ tối, con tạt qua nhà cùng mấy người bạn bảo thăm ba má. “Thấy nó ăn mặc đồ công an tôi còn khen “Nay đi đâu bảnh tỏn ha!”, nó cười bảo: “Con lên xin chú Triều Dương (Thiếu tướng Trần Triều Dương, nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM - PV) được phục vụ lâu dài ngành cứu hỏa. Tôi đã tính, 3-4 tháng nữa ra quân tôi tính cho nó theo nghề vi tính, nó mê với giỏi món này lắm nhưng thôi con mê cứu hỏa thì để con theo. Đâu ngờ, hôm sau xảy ra cháy, đó là lần cuối cùng hai ba con gặp nhau!”, ông nói, đôi mắt trống rỗng như nhớ về một ngày của 10 năm về trước.
Đêm 26-4-2007, Trung tâm Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực IV nhận tin báo cháy trên đường Nguyễn Văn Luông (phường 11, quận 6). Đơn vị lập tức báo động xuất xe, Phạm Trường Huy cùng đồng đội nhanh chóng lên đường.
Lúc tới nơi, cả kho hàng như chìm trong biển lửa, các mũi lăng chữa cháy nhanh chóng được triển khai nhằm ngăn chặn không cho cháy lan, khẩn cấp dập tắt đám cháy. Phạm Trường Huy không ngại khó khăn, nguy hiểm cùng đồng đội triển khai múi lăng theo hướng lên mái nhà.
Vì trời tối, điện bị cúp hoàn toàn, thêm vào đó là khói mù mịt, nhà kho cũng trong tình trạng mục rỗng, trong lúc triển khai chiến đấu, Huy giẫm phải tấm tôn nhựa lấy ánh sáng của nhà dân nên mất đà. Anh ngã từ trên mái nhà xuống đất ở độ cao 5 m, đứt quai nón bảo hộ và bất tỉnh. Dù đã được đồng đội đưa ngay đến BV cấp cứu nhưng vì chấn thương sọ não quá nặng, anh đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều 27-4-2007 tại BV Chợ Rẫy.
Tiếc thương sự hy sinh anh dũng của người lính trẻ dũng cảm, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh truy tặng đồng chí danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, Bộ Công an xét tặng danh hiệu “Liệt sĩ”, Cảnh sát PC&CC TP.HCM phát động phong trào học tập tấm gương chiến đấu dũng cảm hy sinh của đồng chí Phạm Trường Huy trong toàn lực lượng Cảnh sát PC&CC TP.
“Hai gia đình còn tính gặp nhau”
Nhà ở quận 3, cơ quan bên quận 6 mà nhớ con quá nên thi thoảng chú Chín chùa với cô em gái lại chạy xe qua cái công viên đối diện với trụ sở PC&CC quận 6 thăm anh.
Nhà tưởng niệm liệt sĩ trong trụ sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM khắc ghi công ơn những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến với giặc lửa. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Qua chỉ ngó nó cái, coi nó khỏe không, mang cho nó hai ổ bánh mì thịt, nó khoái nhất món này, hồi đó, ổ có 4.000-5.000 đồng. Mấy cha con, cô cháu ngồi bên công viên, nó ăn bánh mì, uống nước ngọt, cha con nói chuyện với nhau xíu rồi về. Sau này, nó hy sinh, ngày sinh nhật, ngày giỗ, tôi vẫn mua bánh mì thịt cho nó. Cô thấy ai cúng lạ vậy hông cô? Mà cái công viên đó giờ còn không cô, lâu rồi tôi không ghé thăm!”. Ông nói đến đây rồi xin phép ra ngoài rửa mặt.
Ngồi trầm ngâm cả buổi, cô Nga, cô ruột của anh Huy, mới kể chuyện: “Hồi đó Huy có bạn gái rồi, con bé dễ thương lắm. Tôi nhớ con bé lúc đó học gần xong rồi. Thi thoảng ngày nghỉ, nó có dắt con bé về chơi. Hai gia đình còn tính cuối năm đó hai gia đình sẽ chính thức gặp nhau…”, nói đến đây cô dừng lại, nước mắt lăn dài trên gương mặt người phụ nữ đã bước qua tuổi xế chiều.
Ngày biết tin Huy hy sinh, người con gái ấy như khóc cạn cả nước mắt. Cô gái nhỏ cùng mẹ qua tiễn đưa anh, cô xin gia đình được mang khăn tang nhưng “hai đứa đã cưới đâu sao mang khăn tang được, tội con bé!”.
Mãi đến sau này, cả hai gia đình khuyên bảo, cô gái ấy mới chịu mở lòng mình quen với người mới. “Tôi bảo có thương thằng Huy thì phải sống thật hạnh phúc! Mãi sau này nó mới lấy chồng!” - cô Nga nghẹn lời.
10 năm đã qua đi, cô em gái thường nhõng nhẽo ngày nào đã lập gia đình, đã có con. Cậu út năm nay đã 21 tuổi, đã đi làm. Ba Huy tóc đã điểm bạc. Ngôi nhà cũng được đánh số mới, hàng xóm xung quanh cũng có thêm người mới. Chỉ có Huy, thanh xuân của chàng trai dũng cảm ấy mãi mãi dừng lại ở tuổi 22!...