Giờ đây, họ thường xuyên quay lại Việt Nam để tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ như một sự sám hối muộn màng.
Năm 2002, ông Brian Cleaver, cựu binh Úc từng tham chiến tại Việt Nam, tình cờ vào trang web của chính phủ Úc và biết tới trận đánh Balmoral ở đầm lầy Bầu Hưng, Bầu Chăm, nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Từ thông tin này, người cựu binh Úc đã liên lạc với ông Huỳnh Văn Hòa, Bí thư xã Bình Mỹ khi đó và thông báo cho nhau về hố bom chôn 42 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng vào rạng sáng 26 và 28-5-1968. Ông Brian hứa với ông Hòa là sẽ tìm kiếm được hố bom đó vì ông là một trong những binh sĩ có mặt và chứng kiến cảnh chôn 42 người lính Việt Nam.
Hình ảnh khốc liệt
Hơn 10 năm qua, hầu như năm nào ông Brian Cleaver cũng qua Việt Nam để tìm kiếm hài cốt của 42 liệt sĩ này.
Ông Brian kể: “Tôi là một người lính tiểu đoàn thứ ba của Trung đoàn Hoàng gia Úc năm 1968. Tiểu đoàn đã đến khu vực nơi mà hai trận đánh đã diễn ra vào những giờ đầu của ngày 26-5-1968. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng. Bầu Chăm (thuộc xã Bình Mỹ, Tân Uyên) là vị trí rất quan trọng nhằm cắt đường dây tiếp tế của Bắc Việt từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn nên chúng tôi cố gắng cố thủ trận tuyến. Hai bên bắn nhau suốt 4 tiếng, tầm rạng sáng, quân đội Bắc Việt rút lui về căn cứ của mình”.
Ông Brian Cleaver đang vạch kế hoạch tìm kiếm hố bom chôn 42 liệt sĩ Việt Nam tại vị trí tìm kiếm. Ảnh: HÀN GIANG
“Chúng tôi có bốn xe tăng, lúc đó tôi ngồi trên xe tăng và quan sát trận địa. Tôi không thể cho bạn biết chính xác có bao nhiêu chiến sĩ Bắc Việt qua đời vào đêm đó. Bởi một phần đã được quân đội Bắc Việt mang đi, một phần khác nằm rải rác xung quanh miệng hố bom, có thể nhiều người đã bị lấp dưới đó. Chúng tôi gom xác của 42 tử sĩ xuống một hố bom lớn và dùng máy ủi san lấp lại trận địa. Tôi đã ghi lại một số tấm ảnh và tọa độ trận chiến để xác định vị trí chôn cất hố bom. Đó có thể chỉ là một hành động tức thời để rồi bây giờ nó trở thành công cụ giúp chúng tôi cố gắng xác định vị trí của 42 người đàn ông dũng cảm”. Cựu binh Úc John Bryant, người trực tiếp tham gia trận chiến, hiện là người đồng hành với ông Brian Cleaver trong hành trình tìm kiếm hố bom chôn 42 liệt sĩ, kể.
Hiện tại ông Brian Cleaver và ông John Bryant đang giữ một số hình ảnh cũng như bản đồ ghi lại tọa độ trận chiến, nơi có hố bom chôn 42 liệt sĩ Việt Nam. Hai ông cũng lưu giữ gần 100 trang tài liệu ghi lại chi tiết trận đánh, lực lượng quân đội hai bên...
Hành trình gian nan
Ông Brian Cleaver chia sẻ: “Công việc tìm kiếm của tôi bắt đầu từ năm 2002. Tất cả chi phí của các cuộc tìm kiếm này đều từ tiền túi của tôi và một phần nhỏ từ tiền đóng góp của các cựu binh và sự giúp sức của chính phủ hai nước. Ít nhất trong 10 năm qua tôi đã đi - về Việt Nam tám lần, chủ yếu vào mùa khô, tháng 4. Mỗi năm tôi cố gắng tích góp sáu tháng lương hưu của mình để đi sang Việt Nam tìm kiếm.
Điều khó khăn là sau 44 năm kể từ đêm diễn ra trận đánh, khu vực rừng hồi xưa giờ trở thành rừng cây cao su có giá trị kinh tế lớn nên ảnh hưởng tới việc đào bới, tìm kiếm. Chúng tôi đã sử dụng từ công nghệ thô sơ tới máy móc hiện đại nhất, sử dụng cả rada chuyển từ Hà Nội vào, đào hàng chục cái giếng trong phạm vi tìm kiếm nhưng vẫn chưa thành công. Trong số 42 người mất tích, chúng tôi đã kiếm được thân nhân của 33 người”.
Nếu tìm kiếm được 42 hài cốt, chính phủ Úc sẽ tài trợ chi phí giám định DNA để giúp thân nhân các liệt sĩ xác định đúng người thân. Ảnh: HÀN GIANG
Thượng tá Lê Hoàng Việt, nguyên Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, nói có nhiều lý do khiến công việc này trở nên gian nan. Đó là lúc chôn các liệt sĩ không có một người Việt Nam nào chứng kiến; địa hình hồi xưa và bây giờ thay đổi nhiều, ngày xưa khu vực này là rừng cây, hố bom, hồ nước, giờ là bạt ngàn cao su. Mặc dù có tọa độ, đối chiếu tọa độ, thế đất rất chính xác nhưng vị trí chôn lại ước lượng, chỉ cách xung quanh tọa độ tầm 100 m.
Theo ông Việt, mới tháng 4 vừa rồi, ông Brian Cleaver tiếp tục sang Việt Nam xin đào tám giếng để tìm kiếm. Ông Brian có nhờ ông Việt thuê máy móc và nhân công để đào nhưng vẫn chưa tìm ra nơi chôn 42 liệt sĩ. “Mỗi giếng đào sâu từ 3 m đến 4 m, gặp đất cứng mới dừng lại. Toàn bộ 9 ha cao su nằm trong vị trí tọa độ, chúng tôi đã đào nát khoảng 5 ha rồi” - ông Việt nói.
Ông Việt kể 20 năm trước một người dân địa phương khi đi rà bom mìn tìm phế liệu đã phát hiện ra một cái hố có rất nhiều hài cốt nằm cách khu vực tìm kiếm của ông Brian khoảng 500 m. Tuy nhiên, do lo sợ nên người đó chỉ thắp hương khấn vái, trả lại nguyên hiện trạng chứ không báo với chính quyền. “Mới đây, người đàn ông đó đã liên hệ với tôi và chỉ vị trí ấy, tôi đã cho anh em đào sâu một số vị trí nhưng vẫn chưa tìm thấy” - ông Việt kể.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi
Năm 2009, trong khi tìm kiếm hố chôn tập thể 42 liệt sĩ, nhóm của ông Brian đã tìm thấy một bộ hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Trong khi nhiều người Việt Nam im lặng cúi đầu, Brian và người bạn đồng hành John Bryant đã khóc nghẹn ngào.
Ông Brian nói: “Song song với việc làm của tôi thì những người dân Việt Nam cũng đã tìm được sáu hài cốt của lính Úc tử trận tại Việt Nam để gửi về cho những thân nhân họ ở Úc. Việc tôi tìm kiếm hài cốt của 42 người cộng sản đã mất tích cũng tương tự như việc làm của các bạn Việt Nam. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại kiếm tìm những hài cốt này? Câu trả lời của tôi là nếu tôi là một trong những người lính đã bị mất tích đó, tôi hy vọng rằng có ai đó sẽ tìm kiếm hài cốt của mình. Tôi nghĩ những thân nhân của họ không có điều kiện đi tìm mộ người thân mình… Và hơn cả, tôi nghĩ rằng việc tôi làm sẽ giúp những người đã mất có thể sống một đời sống khác, ở đó họ được sống trong hòa bình chứ không phải sống với súng đạn và mồ chôn tập thể”.
Còn ông John Bryant, người bạn đồng hành của Brian, thì tâm sự: “Lần đầu tiên khi Brian rủ tôi quay lại Việt Nam tìm kiếm hố bom chôn 42 tử sĩ, tôi đã không đồng ý. Bởi tôi muốn quên đi tất cả quá khứ chiến tranh, nhiều lúc tôi đã gặp ác mộng bởi máu và súng đạn. Trong thâm tâm tôi, binh lính Việt Nam và Úc không hề ghét nhau, chẳng qua người ta đã đẩy chúng tôi vào cuộc chiến… Nhưng rồi, nỗi ám ảnh và mong muốn làm một cái gì đó để giúp thân nhân những người đã khuất đã khiến tôi nhận lời Brian sang Việt Nam tìm kiếm. Tiếc là đến nay mọi thứ vẫn còn ở phía trước”.
Lần đầu tiên thấy ông Brian qua đây, một mình mặc quần short, áo thun đi lang thang trong rừng tôi thấy rất tội nghiệp. Xâu chuỗi suốt 10 năm tìm kiếm, tôi thấy ông là một người nhân hậu. Nhìn cảnh ông ăn cơm hộp bình dân với cá biển ngon lành và tìm kiếm tích cực ai cũng thấy yêu mến. Nói thiệt, là một người lính, tôi đi tìm đồng đội của mình mà vẫn còn nản, ấy vậy mà những người ở bên kia chiến tuyến vẫn rất nhiệt huyết khiến chúng tôi không thể đứng nhìn. Thượng tá LÊ HOÀNG VIỆT, nguyên Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương |
HÀN GIANG