Chiều 29-12, Tòa án Quân sự Trung ương tuyên án đối với chín bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ “bảo kê” xăng lậu xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển (CSB) Việt Nam.
Y án hai cựu tư lệnh cảnh sát biển vùng
Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, được giảm từ chung thân xuống còn 20 năm tù về tội nhận hối lộ. Với tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, tòa bác kháng cáo của bị cáo này, giữ nguyên mức án hai năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là 22 năm tù.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TACC |
Cùng về tội nhận hối lộ, hai bị cáo khác cũng được giảm án gồm: Lê Văn Phương (cựu phó Phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh) được giảm từ ba năm sáu tháng tù xuống còn ba năm tù và Phạm Hồ Hải (cựu trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) từ năm năm sáu tháng tù xuống còn bốn năm tù.
Với sáu bị cáo còn lại, tòa bác toàn bộ kháng cáo. Trong đó, hai cựu thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu tư lệnh CSB Vùng 4) và Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh CSB Vùng 3) bị tòa tuyên y án sơ thẩm lần lượt 15 năm tù và 12 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ.
Theo HĐXX, những cống hiến của các bị cáo và gia đình với Nhà nước, quân đội đã được cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng giảm nhẹ theo quy định. Tại phiên phúc thẩm, các tình tiết về bệnh tật, gia đình, tuổi già, khó khăn, cha mẹ già, con nhỏ mà nhóm sáu bị cáo đã nêu chưa phải là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, dù tòa đã xem xét cân nhắc nhưng không đủ để thay đổi đáng kể bản án sơ thẩm đã tuyên.
Trước đó, nói lời sau cùng, các bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, đồng đội vì làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng quân đội, CSB, làm gia đình, cha mẹ, vợ con đau khổ.
Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh cho hay “có gì sai đã nhận hết” và xin tòa giảm án cho em họ là Nguyễn Văn An - người được nhờ nhận giúp tiền hối lộ từ “ông trùm” xăng lậu Phan Thanh Hữu.
Cựu thiếu tướng Lê Văn Minh nói nhận thức sâu sắc những tội lỗi của mình và vô cùng ân hận. Tuy mức án 15 năm mà tòa sơ thẩm tuyên đã khoan hồng nhưng vẫn quá nặng nề với ông trong lúc sức khỏe ngày càng giảm, nhiều bệnh tật.
Cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh thì “vô cùng ân hận” vì những hành vi vi phạm pháp luật của mình, rất mong HĐXX xem xét, tạo điều kiện để sớm được trở về, trở thành một công dân tốt, phấn đấu hoàn thành những ngày còn lại của cuộc đời.
Bị cáo chỉ “thành khẩn một phần”
Vụ án này, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh ban đầu kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, trước khi bước vào phần xét hỏi, bị cáo bất ngờ thừa nhận tội danh nhận hối lộ, do đó chuyển từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt cho tội này, chỉ kêu oan tội còn lại. Bị cáo cũng nộp 5,6 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Trong phần xét hỏi, dù thừa nhận hành vi nhận hối lộ, bị cáo Thế Anh lại khai rằng chỉ nhận khoảng 120.000 USD chứ không phải 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng. Việc đưa tiền là sự tự nguyện của ông Hữu, không có đòi hỏi hay sự thỏa thuận giúp đỡ, “bảo kê” cho hoạt động buôn xăng lậu.
Bị cáo vẫn kêu oan tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, khẳng định không “cho tiền, xúi giục” em họ bỏ trốn để tránh truy tố. Vì vậy, đại diện VKS đánh giá bị cáo chỉ “thành khẩn một phần” nhưng vẫn đề nghị giảm án cho bị cáo về tội nhận hối lộ.
Bào chữa cho bị cáo Thế Anh, luật sư cho rằng với tất cả chức vụ từng đảm nhận (trong khoảng thời gian diễn ra hành vi đưa và nhận hối lộ), cựu đại tá đều không có chức năng trực tiếp bắt giữ buôn lậu mà phải thông qua lực lượng khác, cũng không trực tiếp phụ trách các địa bàn mà tàu chở xăng lậu đi qua. Luật sư đề nghị chuyển tội danh cho thân chủ từ tội nhận hối lộ sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bác bỏ quan điểm trên, đại diện VKS khẳng định ông Thế Anh có nhận tiền của Phan Thanh Hữu, cả hai đã thừa nhận điều này. Kiểm sát viên viện dẫn các quy định, điều lệ về trách nhiệm cho thấy dù ở chức vụ nào từng đảm nhận, bị cáo Thế Anh cũng đều có chức vụ, quyền hạn để tổ chức bắt giữ các tàu chở xăng lậu của ông Hữu.
“Tại phiên tòa phúc thẩm, chính ông Hữu cũng khẳng định Thế Anh biết buôn lậu nên mới phải đưa tiền. Thế Anh không biết quy mô ông Hữu buôn lậu bao nhiêu. Nếu biết, ông Hữu còn phải chi nhiều hơn” - đại diện VKS nhấn mạnh.
Đại diện VKS cũng giải thích về nhận định bị cáo Thế Anh chỉ “thành khẩn một phần”. Theo đó, các tài liệu và lời khai của bị cáo khác đã chứng minh số tiền cựu đại tá nhận hối lộ là hơn 19 tỉ đồng nhưng bị cáo không thừa nhận hết…
Nhận hối lộ, bảo kê xăng lậu
Theo hồ sơ, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.
Để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Hữu và đồng bọn thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng CSB, bộ đội biên phòng, CSGT… Trong đó, hai cựu tư lệnh Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng; Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng…