Dự kiến, ngày 17-9 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM và một số đơn vị liên quan.
Trong số sáu bị can, Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ thuộc Cục C03 - Bộ Công an) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm bị can còn lại cùng bị truy tố về tội môi giới hối lộ, gồm Lê Thanh An (cựu cán bộ C03), Nguyễn Ngọc Triệu (cựu ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cựu sư trụ trì chùa Nôm - Hưng Yên), Trần Văn Long (cựu tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt), Bùi Thị Hồng Giang (cựu luật sư) và Hà Duy Tuấn (kinh doanh tự do).
|
Ông Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: CA |
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm đối với những sai phạm trong hoạt động đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức do ông Nguyễn Minh Quân làm giám đốc.
Lo sợ sai phạm bị phát hiện và xử lý hình sự, ông Quân tìm đến Kiên nhờ giúp đỡ. Dù không được phân công thụ lý vụ việc tại Bệnh viện Thủ Đức, cũng không có khả năng “chạy án”, Kiên vẫn nhận lời, đồng thời yêu cầu ông Quân đưa chi phí tổng cộng 2,2 triệu USD.
Nhận tiền, Kiên không đưa cho ai nhờ giúp “chạy án” mà sử dụng vào mục đích cá nhân. Thấy vậy, ông Quân yêu cầu Kiên trả lại tiền. Kiên trả lại 1,15 triệu USD, số còn lại 1,05 triệu USD ông Quân nhiều lần nhắn tin đòi nhưng Kiên chưa trả.
Biết Kiên không giúp được mình, ông Quân không bỏ cuộc, tiếp tục thông qua trung gian để gặp Trần Văn Long và Bùi Thị Hồng Giang. Ông Quân nhiều lần đưa tiền cho nhóm của Giang và Long, với tổng cộng hơn 1,6 triệu USD.
Như vậy, tổng số tiền mà cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức bỏ ra để “chạy án” là hơn 2,6 triệu USD, tương đương gần 60 tỉ đồng.
Tháng 11-2021, ông Quân bị khởi tố và bắt tạm giam tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nên đã làm đơn tố cáo hành vi của những người mà mình chi tiền “chạy án”.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức lấy đâu ra số tiền lớn như trên để "lo lót" cho bản thân không bị xử lý hình sự?
Trong cáo trạng, vấn đề này không được đề cập. Tuy nhiên, tại bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Quân khai rằng đây đều là tiền do gia đình bán nhà đất mà có.
Theo cơ quan tố tụng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được điều tra và làm rõ, có đủ cơ sở xác định hành vi của ông Quân có dấu hiệu cấu thành tội đưa hối lộ.
Tuy nhiên, trước khi hành vi bị phát giác, ông Quân đã tự nguyện làm đơn tố giác với Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cung cấp tài liệu, chứng cứ để cơ quan điều tra làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xử lý các các đối tượng có liên quan.
Mặt khác, ông Quân đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức.
Do vậy, áp dụng khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 5 Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cơ quan tố tụng không xem xét xử lý đối với cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức về tội danh hối lộ.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đề nghị tịch thu toàn bộ số tiền mà ông Quân đã đưa hối lộ để sung công quỹ Nhà nước, bao gồm 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỉ đồng) do Bùi Trung Kiên giao nộp cho cơ quan điều tra và số tiền hơn 1,6 triệu USD (tương đương 36,4 tỉ đồng) ông Quân đưa cho Bùi Thị Hồng Giang để môi giới hối lộ.
Gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước
Trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi (giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) cùng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra cho hay hai bị can này đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.