Đề nghị truy tố 2 cựu cán bộ công an lừa, môi giới “chạy án” cho giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức

(PLO)- 2 cựu cán bộ công an phòng 5 và 6 Cục Cảnh sát kinh tế bị đề nghị truy tố trong vụ lừa đảo, môi giới hối lộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ lừa đảo, môi giới hối lộ liên quan đến 2 cựu cán bộ công an phòng 5, 6 cục Cảnh sát kinh tế.

Cơ quan điều tra đề nghị VKS truy tố 2 cựu cán bộ Bùi Trung Kiên (sinh năm 1980) về tội lừa đảo chiếm đoạt 1,05 triệu USD theo khoản 4 Điều 174 BLHS, Lê Thanh An (sinh năm 1976) về tội môi giới hối lộ 1,5 triệu USD theo khoản 4 Điều 365 BLHS.

Bị can Nguyễn Minh Quân (trái) và Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: CA

Bị can Nguyễn Minh Quân (trái) và Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: CA

Các đồng phạm môi giới hối lộ gồm Nguyễn Ngọc Triệu (cựu ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội), Hà Duy Tuấn (kinh doanh tự do), Bùi Thị Hồng Giang (luật sư) và Trần Văn Long (Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông du lịch Việt).

Kết quả điều tra thể hiện năm 2021, Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện. Sợ bị bắt nên Quân đã liên hệ nhờ Bùi Trung Kiên (Cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Cục CSKT) giúp đỡ, lo lót để không bị xử lý.

Kiên nhận lời và yêu cầu Quân đưa chi phí ban đầu là 700 ngàn USD để giải quyết. Tháng 3-2021, Quân đã đưa ba lần tổng số tiền trên. Sau đó, Kiên tiếp tục yêu cầu Quân đưa thêm cho Kiên 1,5 triệu USD để giải quyết việc của Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm (Công ty Nguyễn Tâm được Quân cho tham gia đấu thầu và trúng nhiều gói thầu tại Bệnh viện TP. Thủ Đức) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quân đã tiếp tục đưa Kiên hai lần là 1,5 triệu USD vào khoảng tháng 3-2021. Tổng cộng Quân đã đưa Kiên bốn lần là 2,2 triệu USD.

CQĐT đã ghi lời khai, khám xét khẩn cấp người, chỗ ở, nơi làm việc của Quân để thu thập tài liệu, chứng cứ, dữ liệu điện tử việc đưa, nhận 2,2 triệu USD. Đồng thời, bị can Kiên cũng thừa nhận toàn bộ việc nhận 2,2 triệu USD của Quân và hứa lo cho Quân, Lợi không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên thực tế sau khi nhận tiền, Kiên không nhờ và không đưa tiền cho bất kỳ ai để giải quyết việc Quân nhờ. Đến tháng 5-2021, thấy Kiên không giúp được, Quân đã nhiều lần nhắn tin đòi tiền. Kiên đã trả cho Quân hai lần 1,15 triệu USD. Số tiền còn lại, Quân nhiều lần nhắn tin đòi tiền nhưng Kiên lấy lý do chưa thu xếp được và chưa trả lại.

Sau khi Quân có đơn tố cáo và CQĐT tiếp nhận giải quyết thì gia đình Kiên đã tự nguyện nộp gần 24 tỉ vào tài khoản tạm giữ của CQĐT để khắc phục hậu quả.

Còn Lê Thanh An (Cán bộ Phòng 5, Cục CSKT) tuy không có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc điều tra, xác minh vụ việc, vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức nhưng khi Long và Giang liên hệ, đưa 1,5 triệu USD để giúp Quân không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì An đã nhận.

Bị can An nhờ người gặp sư trụ trì Triệu để nhờ giúp việc của ông Quân. An đưa cho Tuấn 1 triệu USD để giúp Quân. Còn lại An cất giữ 500 nghìn USD…

Kết quả điều tra xác định những người này chưa liên hệ được và chưa đưa tiền cho bất kỳ ai để giải quyết việc của ông Quân. Bị can An đã trả lại cho bị can Giang 8 tỉ trước khi bị phát giác; người nhà An đã tự nguyện nộp 7,5 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của CQĐT để khắc phục hậu quả trước khi An bị khởi tố bị can. Người nhà bị can Triệu đã tự nguyện nộp 5 tỉ đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm