Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 2: Thiên đường của linh trưởng

Khu cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên (EAST) rộng khoảng 30 ha, nằm trên một đảo nhỏ thuộc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Quá trình thành lập nơi này gắn liền với sự nỗ lực và cố gắng của một cô gái đến từ nước Anh - TS Marina Kenyon Ann, 38 tuổi. Khi còn là sinh viên, Marina đã mất nhiều năm nghiên cứu đề tài vượn đen má vàng ở VQG Cát Tiên. Khi cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cũng là lúc cô bắt đầu cho dự án cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp tại phía Nam Việt Nam.

Cơ duyên từ hai chú vượn trôi nổi

Ông Nguyễn Duy Khang, cán bộ VQG Cát Tiên, người được hỗ trợ công tác quản lý tại Khu cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên, kể về duyên cớ ra đời khu cứu hộ này. Cơ duyên đến từ hai con vượn đen má vàng được hải quan Hong Kong thu được từ những người mua bán động vật hoang dã trái phép. Khi xác minh, họ kết luận hai con vượn này có nguồn gốc từ Việt Nam nên gửi thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam sang nhận về. Nhưng khi đó do lúng túng chuyện kinh phí nên Việt Nam đã không cử đại diện sang nhận. Biết được tin này, bà Alison Cronin, một trong những người sáng lập Trung tâm Cứu hộ Monkey World Ape (Vương quốc Anh), đã bỏ kinh phí đứng ra nhận hai cá thể vượn này để cứu hộ.

Bà Alison Cronin cũng chính là người hướng dẫn TS Marina Kenyon Ann nghiên cứu đề tài về loài vượn đen má vàng ở Cát Tiên. “Sau sự việc này Marina đã đến Việt Nam nhiều hơn và thu thập thêm những thông tin về việc săn bắt, nuôi nhốt và sự tồn tại của các loài linh trưởng ở khu vực phía Nam Việt Nam. Đề án thành lập trung tâm cứu hộ các linh trưởng nguy cấp ở VQG Cát Tiên cũng đã được Marina ấp ủ từ đó. Không lâu sau, đại diện Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Monkey World Ape và Trường ĐH Pingtung (Đài Loan) đã liên hệ với chính phủ Việt Nam và VQG Cát Tiên để thành lập khu cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Đến năm 2008 Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên chính thức ra đời. Sau bốn năm hoạt động, Đảo Tiên đã cứu hộ hơn 20 cá thể bao gồm: culi, voọc, vượn…” - ông Nguyễn Duy Khang kể.

Ở Đảo Tiên, những con thú mới được tiếp nhận đều ở trong tình trạng ốm yếu, bệnh tật và nhiều vết thương trên cơ thể. Mặt khác, do bị nuôi nhốt lâu ngày nên có những con thú bị nhiễm các tập tính do con người huấn luyện. Để cứu hộ và phục hồi những bản năng hoang dã cho nó phải cần một thời gian rất lâu và đầy khó khăn. Cách đây không lâu, một số cá thể vượn được cứu hộ đầu tiên ở Đảo Tiên đã được thả về tự nhiên. Qua theo dõi bằng các thiết bị dò tìm hiện đại gắn trên cơ thể số vượn này cho thấy chúng đang thích nghi tốt với môi trường hoang dã.

Những người viết nên “câu chuyện cổ tích” cho những loài linh trưởng đang trên bờ của sự tuyệt chủng không ai khác là các “cô tiên” đến từ Anh quốc xa xôi.

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 2: Thiên đường của linh trưởng ảnh 1

Nỗi buồn của Chính (con voọc chà vá chân đen được nhân viên ở Đảo Tiên đặt tên) lúc mới được đưa về trung tâm. Chính bị một người dân ở TP.HCM nuôi làm cảnh và được cứu hộ vào năm 2009. Ảnh: EAST

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 2: Thiên đường của linh trưởng ảnh 2

Hai mẹ con vượn đen má vàng được các nhân viên Đảo Tiên đặt tên là Li Li đã được cứu hộ thành công và đã thả về tự nhiên. Ảnh: EAST

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 2: Thiên đường của linh trưởng ảnh 3

Một chú vượn đen má vàng đã phục hồi các bản năng. Ảnh: EAST

“Cô tiên” của đảo nhỏ

Rất tiếc khi chúng tôi đến Đảo Tiên, cô Marina đã về nước thăm gia đình. Anh Đinh Sỹ Đạt, cán bộ tuyên truyền của Đảo Tiên, kể: “Marina rất cá tính. Cô từng sống hằng tuần ở trong rừng để lần theo dấu vết của các loài linh trưởng. Khi phát hiện được dấu vết của con thú, cô cẩn thận thu nhặt từng mẩu vật từ dấu chân đến phân, thức ăn… để phục vụ cho công việc nghiên cứu. Cô tự tay lo thức ăn cho thú và nhiều khi kiêm luôn công việc của bác sĩ thú y. Marina nhớ chính xác từng tập tính và thói quen của các con thú ở đây”.

Cùng làm việc với Marina còn có Stephanie Pace. Trong thời gian Marina đi vắng, công việc của khu cứu hộ do Stephanie Pace tạm thời điều hành. Mọi người quen gọi cô là Step. “Khi còn là sinh viên, tôi đã từng được Marina giới thiệu sang Việt Nam làm công việc tình nguyện tại Đảo Tiên. Từ đó tôi đã bén duyên với công việc ở đây. Sau khi ra trường, cũng chính Marina đã mời tôi về làm việc” - Step kể.

Ngoài việc chăm sóc thú tại trung tâm, Step còn đảm nhiệm công tác giáo dục bảo tồn. Công việc hằng ngày của Step là giáo dục bảo tồn các loài thú hoang dã cho các em học sinh và du khách tham quan tại Đảo Tiên. “Tôi rất ấn tượng với không gian thanh bình và hệ động thực vật đa dạng ở những cánh rừng Cát Tiên. Con người Việt Nam rất thân thiện và đặc biệt các em nhỏ ở đây rất dễ thương. Nhìn các em reo vui khi thấy những con thú được tự do nhảy nhót, chuyền cành trong khu bán hoang dã, tôi rất hạnh phúc” - Step nói.

“Nơi đó mới là nhà của chúng!”

Những ngày qua, các nhân viên tại trung tâm cứu hộ linh trưởng tất bật với công việc dò tìm tín hiệu sóng và định vị vị trí những chú vượn vừa thả về rừng. Nhiều anh em phải băng rừng, lội suối, mang theo hàng đống thiết bị để theo chân các chú vượn. Hiện chúng đã có được lãnh địa riêng và hòa nhập tốt với môi trường tự nhiên. Sau bốn năm thành lập, những nỗ lực cứu hộ của các anh em tại Đảo Tiên bắt đầu có kết quả tốt đẹp.

Step kể lại buổi thả thú về rừng với giọng sôi nổi: “Khi vừa mở cửa lồng, những con vượn chạy vọt ra, quay đầu nhìn xung quanh rồi nhảy tót lên cây. Tiếp đó chúng chuyền từ cành này sang cành khác rồi biến mất vào rừng, chỉ để lại tiếng kêu vang vọng cả khu rừng. Trông chúng lúc ấy giống như bọn trẻ đi xa nay được về nhà vậy!”.

Ông Nguyễn Duy Khang, cán bộ VQG Cát Tiên, nói lâu nay chúng ta cứu hộ chỉ biết chăm sóc thú cho khỏe mạnh rồi thả về tự nhiên mà không biết nó sống chết như thế nào. “Quy trình cứu hộ của Marina đang áp dụng hoàn toàn khác. Các con thú sau khi được cứu hộ, đã phục hồi được bản năng hoang dã, sẽ được gắn những thiết bị phát tín hiệu. Sau đó, Marina đi khảo sát nơi thả thú có sinh cảnh phù hợp, đảm bảo lượng thức ăn cần thiết và đặc biệt có thể giúp nó hòa nhập vào bầy đàn ngoài tự nhiên. Marina phải mất hàng tháng trời băng từ cánh rừng này sang cánh rừng khác để tìm địa điểm. Khi đã chọn được nơi phù hợp, cô sẽ đưa thú vào lồng và đặt chúng tại nơi muốn thả. Mục đích của việc này là giúp con thú quan sát và làm quen với môi trường mới. Thời gian này cũng phải mất hơn một tuần” - ông Khang tâm đắc kể.

Anh Đinh Sỹ Đạt, cán bộ tuyên truyền của Đảo Tiên, kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện đáng yêu từ những con thú tại Đảo Tiên. “Hy vọng sẽ có thêm những con thú được thả về rừng. Nơi đó mới là nhà của chúng” - anh nói.

“Họ đã truyền lòng đam mê cho chúng tôi”

Theo ông Nguyễn Duy Khang, cán bộ VQG Cát Tiên, thông qua các chương trình hợp tác, cán bộ ở đây đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về công tác cứu hộ thú hoang dã. Các nhân viên của vườn cũng có cơ hội được tiếp cận các công nghệ tiên tiến như thiết bị GPS, thiết bị dò tìm sóng radio… để ứng dụng vào công tác cứu hộ. “Nhưng hơn hết, họ đã truyền cho chúng tôi lòng đam mê, bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc” - ông Khang nói.

Ngoài ra, thông qua các tổ chức tài trợ cho các chương trình cứu hộ thú hoang dã, các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đã biết đến VQG Cát Tiên. Họ đã nhiều lần đến đây để quay phim, làm chương trình. Sau những đợt như vậy, VQG Cát Tiên đón tiếp rất nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để quảng bá du lịch rất tốt.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm