Francis Lorenzo đã bị tạm bắt giữ trước đó vào ngày 6-10. Hiện ông đã bị đặt trong tình trạng giam lỏng tại gia sau khi đã nộp khoản tiền phạt lên đến 2 triệu USD. Một thẩm phán tại Manhattan cho biết ông Lorenzo đã đề nghị được quyền miễn trừ ngoại giao để tránh các đợt bắt giữ khác trong tương lai.
Khi tòa án đưa ra mức phạt trên, phía công tố viên đã lên tiếng phản đối cho rằng số tiền mà ông Lorenzo nhận được nhờ hối lộ, theo kết quả điều tra mới nhất, còn lớn hơn gấp nhiều lần con số ước đoán ban đầu. Công tố viên Daniel Richenthal cho biết: “Khả năng ông ta tẩu thoát là rất lớn”.
Ảnh ký họa Lorenzo tại phiên tòa ngày 6-10 về tội danh tham nhũng (Nguồn: Reuters)
Trước đó, luật sư của Lorenzo đã thuyết phục tòa án rằng ông này sẽ quay lại tòa khi có kết quả điều tra mới nhất. Ông này biện luận rằng Lorenzo đã bị chính phủ Cộng hòa Dominica bãi bỏ chức vụ nên sẽ không trốn về nước được.
Francis Lorenzo, cùng với John Ashe - cựu chủ tịch Đại hội đồng LHQ, nằm trong số sáu cá nhân bị tòa án Mỹ cáo buộc tội danh tham nhũng liên quan đến hoạt động của LHQ. Bản cáo trạng cho biết ông Ashe đã nhận hơn 1,33 triệu USD tiền hối lộ từ doanh nhân Trung Quốc, trong đó có nhà kinh doanh bất động sản người Macau (Trung Quốc) ông Ng Lap Seng.
Ng Lap Seng cũng đưa cho Lorenzo số tiền 20.000 USD mỗi tháng để làm “chủ tịch danh dự” của một trong các tổ chức của Lap Seng là hãng tin South-South News. Đồng thời, doanh nhân người Macau cũng rót thêm tiền cho một công ty sở hữu bởi em trai ông Lorenzo tại Cộng hòa Dominica.
Lorenzo cũng đồng thời được “nhà tài trợ” mua cho mình một căn hộ sang trọng lên đến 3,6 triệu USD gần cơ sở của LHQ tại New York, nhưng dưới danh nghĩa là được thuê lại bởi hãng tin South-South News. Ông cũng được tặng thêm một khoản tiền hằng tháng khác, lên đến 20.000 USD, từ Quỹ Sun Kian Ip Group của Lap Seng để ủng hộ việc xây dựng trung tâm hội nghị LHQ tại Macau.