Ngày 3-3, BS Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết nơi này vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân A Tâm (19 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị đứt thực quản, khí quản do tai nạn giao thông. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định nhưng phải thở qua khí quản đặt ở cổ và ăn uống qua ống thông dạ dày.
Ngày 26-2, nạn nhân được bạn chở đi làm rẫy về bằng xe máy. Khi đi qua vườn cao su thì thấy một dây thép phơi đồ giăng ngang, người bạn cúi xuống tránh kịp, còn nạn nhân bị dây thép vướng mạnh vào cổ. Về nhà, cổ nạn nhân có vết bầm, sưng to và khó thở nên người nhà vội đưa đến BV Chợ Rẫy cấp cứu. Kết quả hội chẩn, các bác sĩ nghi bệnh nhân bị đứt khí quản. Tuy nhiên, khi phẫu thuật cấp cứu cho thấy bệnh nhân không chỉ bị đứt khí quản mà còn đứt cả thực quản. Các bác sĩ đã tiến hành nối khí quản và thực quản cho bệnh nhân.
Bệnh nhân A Tâm đang được các bác sĩ chăm sóc vết thương vào sáng 3-3. Ảnh: TÙNG SƠN
May mắn là bệnh nhân không bị khó thở, sau khi đứt rời khí quản vẫn thở được từ từ. Theo BS Dũng, nếu để lâu máu từ cổ sẽ chảy vào phổi, làm nghẹt thở và bệnh nhân có thể tử vong. Ngoài ra, việc đứt khí quản có nguy cơ làm đứt luôn hai dây thần kinh hồi quy (giúp nói và thở) sẽ gây khó thở và khó nói nên sau khi bệnh nhân hồi phục vết thương các bác sĩ sẽ kiểm tra lại hai dây thần kinh này. Mặt khác, sau khi nối sẽ để lại di chứng sẹo hẹp chỗ nối khí quản và thực quản, sẽ làm bệnh nhân thấy khó thở và khó ăn uống.
Tại khoa Tai Mũi Họng, BV Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho bệnh nhân Võ Tấn Nghĩa (39 tuổi, ngụ Long An) bị đứt khí quản. Theo lời anh Nghĩa, đêm mùng 3 tết, khi đang chạy xe máy trên đường, do đèn xe mờ anh không thấy chiếc xe tải đậu phía trước nên đâm vào. Hậu quả là anh bị vật nhọn đâm thủng một lỗ to ở cổ. Một giờ sau tai nạn, anh bị ngất và người nhà đưa đến BV Chợ Rẫy. Các bác sĩ xác định anh bị đứt khí quản và tiến hành phẫu thuật nối lại.
“Biểu hiện của đứt khí quản là khó thở, tràn khí vùng cổ, thở phập phồng ở cổ. Còn đứt thực quản phải soi kiểm tra và mổ thì mới đánh giá được rõ ràng hơn. Những trường hợp chấn thương cổ khó thở nặng thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, mở khí quản hoặc đặt nội khí quản giúp bệnh nhân thở và sau đó chuyển lên cơ sở y tế có chuyên môn cao hơn” - BS Dũng khuyến cáo.
DUY TÍNH