Sáng nay, 8-8, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng, điều trị sản phụ hiếm gặp: 35 tuổi, nhau thai cài răng lược xuyên bàng quang, mổ chủ động ở tuần 34 thai kỳ.
Người mẹ đã phục hồi sau ca mổ phức tạp, có thể tự chăm sóc con. Ảnh: BVCC. |
Theo đó, trong 3 tháng đầu thai kỳ, chị Lan từng bị ra máu, phải điều trị giữ thai. Đến tuần thứ 27, khi có các triệu chứng khó chịu, bụng gò căng cứng và tiếp tục ra máu, chị phải nhập viện để điều trị giữ thai.
Sau khi thăm khám lâm sàng và siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai phụ này bị nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, nghi ngờ bị nhau cài răng lược nguy hiểm.
Duy trì đến tuần 34 thai kỳ, thai phụ Lan bị ra huyết từng đợt, máu đỏ tươi lẫn máu đông chảy ra theo đường âm đạo, đã dùng thuốc cầm máu nhưng không hiệu quả.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp cực kỳ phức tạp bởi trước đó chị Lan từng sinh mổ hai lần và phẫu thuật chửa ở vết mổ một lần do thai làm tổ ở vết sẹo mổ trên cơ tử cung.
Vì vậy, Bệnh viện quyết định mổ chủ động lấy thai.
Tuy nhiên, thách thức ở ca mổ này là nhau cài răng lược đã đâm xiên bàng quang nên phải là phải gỡ dính, tách rời bàng quang khỏi mặt trước tử cung.
Sau khi lấy thai phải tiến hành bộc lộ toàn bộ đoạn dưới tử cung để cắt tử cung bán phần mà không gây chảy máu và cũng không được gây tổn thương các cơ quan lân cận.
Trong quá trình gỡ dính nếu không thực hiện chính xác tuyệt đối thì có thể gây chảy máu ồ ạt, sản phụ có thể truỵ mạch và có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.
Diễn biến ca mổ cho thấy nhau thai cài răng lược đã đâm xiên hết lớp cơ tử cung đến lớp thanh mạc. Một phần gai nhau đâm xuyên vào thành bàng quang vô cùng nguy hiểm đối với cả thai phụ và thai nhi.
Trực tiếp cầm dao mổ, bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viên đã mổ dọc thân tử cung để đón bé trai nặng 1,8kg chào đời an toàn.
Hiện sức khoẻ của sản phụ đã phục hồi tốt, có thể trực tiếp chăm sóc con tại bệnh viện.
Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược là tình trạng có thể xảy ra ở những sản phụ từng có vết mổ đẻ cũ.
Với trường hợp bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược tại vùng thân và đáy tử cung thì các bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn tử cung cho sản phụ. Trường hợp bị nhau cài răng lược bám vào vị trí vết mổ đẻ cũ, đâm xuyên bàng quang cần phải cắt tử cung bán phần của sản phụ.
Bác sĩ Lê Công Tước khuyến cáo nếu phát hiện thai làm tổ ở vùng thân và đáy tử cung thì có thể để phát triển bình thường.
Nhưng nếu thai làm tổ ở vị trí bất thường như vùng gần eo tử cung hoặc tại vết mổ đẻ cũ thì nên đình chỉ thai sớm, tránh tình trạng khi phát triển có thể trở thành chửa ở vết mổ, hoặc nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược.