Cựu thanh tra giao thông lập sổ tay ghi chép địa bàn, doanh nghiệp và tiền nhận hối lộ

(PLO)- HĐXX xét hỏi nhóm bị cáo là thanh tra giao thông Sở GTVT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về cách thức nhận tiền, chia tiền, nhũng nhiễu và bảo kê các xe trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 8-10, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 56 bị cáo, trong đó có 7 cựu thanh tra giao thông (Sở GTVT) bị truy tố về tội nhận hối lộ và 49 bị cáo khác bị truy tố về tội đưa hối lộ.

HĐXX đã dành phần lớn thời gian để xét hỏi 7 bị cáo là cựu thanh tra giao thông, xoay quanh cáo buộc về hành vi nhận hối lộ. Trong đó, hỏi sâu về cách thức nhận tiền, chia tiền và cách thức bảo kê, bỏ qua lỗi vi phạm của các xe trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Lập sổ ghi chép việc nhận tiền "chung chi" hàng tháng

Bị cáo Lâm Hữu Trí được xét hỏi đầu tiên. Bị cáo Trí bị cáo buộc nhận tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng để sau đó chia lại cho các đội khác qua chuyển khoản hoặc đưa trực tiếp. Số tiền nhận, thông tin đầu xe cụ thể của doanh nghiệp, địa bàn được bị cáo Trí ghi chép trong 2 cuốn sổ (tập vở ô li, kẻ chia thành 3 cột).

Bị cáo Trí cũng khai việc mình ghi sổ lại tên doanh nghiệp cũng như số tiền họ gửi là để theo dõi và có báo lại cho các đội biết. Cuốn sổ trên năm 2023 khi bị cáo bị bắt đã giao nộp cho Cơ quan CSĐT. Cơ quan CSĐT cũng thu giữ một điện thoại cá nhân của bị cáo. Trong đó có một số lần bị cáo chụp lại nội dung ghi trong sổ để thông báo cho các đội khác khi không thể gặp trực tiếp...

Bị cáo Lâm Hữu Trí trong phần xét hỏi. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Bị cáo Trí trình bày có bàn bạc thống nhất với các đội về việc nhận tiền của doanh nghiệp và chia tiền, giao nhận tiền. Tất cả thống nhất giao bị cáo Trí là đầu mối nhận tiền các doanh nghiệp, cá nhân, sau đó chia lại. Sau khi nhận tiền, có những khoản bị cáo Trí chuyển khoản, cũng có lúc đưa trực tiếp. Quá trình điều tra có đối chất nhưng các đội khác phủ nhận, chỉ có các bị cáo cùng bị khởi tố do có chuyển khoản nên nhận. Số tiền bị cáo nhận là hơn 5 tỉ đồng.

Ban đầu bị cáo Trí khai tiền các doanh nghiệp chuyển cho bị cáo là "tiền cơm nước". Tuy nhiên, sau khi HĐXX hỏi tới, bị cáo Trí thừa nhận đây thực chất là tiền để thanh tra giao thông bỏ qua tất cả lỗi vi phạm pháp luật của các xe, ít kiểm tra các đầu xe của doanh nghiệp khi lưu thông trên đường.

Chủ tọa phiên tòa đã công bố công khai 2 cuốn sổ ghi chép mà Cơ quan CSĐT thu giữ khi bắt giữ bị cáo Trí và đưa lại cho bị cáo Trí xem. Bị cáo Trí xác nhận đây đúng là sổ mình ghi chép...

Chủ tọa công bố cuốn sổ ghi chép về việc nhận tiền của nhóm bị cáo là chủ xe. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Tuy nhiên, các bị cáo khác khi được hỏi lại phủ nhận cho rằng không bàn bạc cụ thể và thống nhất chủ trương giao bị cáo Trí làm đầu mối nhận tiền của các cá nhân, doanh nghiệp để bỏ qua lỗi vi phạm.

Họ không biết cụ thể số lượng, tên doanh nghiệp đưa tiền cho bị cáo Trí; chỉ nghe bị cáo Trí nói doanh nghiệp chi bồi dưỡng thì nhận. Sau khi nhận thì chia lại các thanh tra viên khác trong đội...

Việc quyết định bỏ qua lỗi vi phạm hay xử lý là do Đội trưởng từng đội quyết định. Ngoài các xe đã nộp tiền hàng tháng thông qua Trí, một số bị cáo là thanh tra viên còn nhận bảo kê một số đầu xe riêng. Khi xe này bị kiểm tra, giữ lại thì thường người nhận bảo kê xe sẽ gọi điện và nhận đó là "xe của người nhà" để đội khác bỏ qua.

Các bị cáo là cựu thanh tra giao thông trả lời trái ngược nhau về thỏa thuận nhận và chia tiền của doanh nghiệp. Ảnh: TK

Sau khi nghe các bị cáo trình bày, một thành viên HĐXX bước đầu nhận định, có cơ chế cho một thanh tra viên được bảo kê bao nhiêu đầu xe riêng; có sự nhũng nhiễu, bảo kê, cấu kết của cả một hệ thống để bỏ qua các lỗi vi phạm pháp luật của phương tiện...

Tham gia xét hỏi, đại diện VKS cũng đề nghị các bị cáo trả lời làm rõ thêm số tiền đã nhận của một số doanh nghiệp và chuyển cho các cá nhân ở đội khác, trong cùng đội như thế nào, bản thân được nhận bao nhiêu từ số tiền nhận hối lộ...

"Xe nào ra đường cũng phải chung chi"

Sau khi xét hỏi 7 bị cáo cựu thanh tra giao thông, HĐXX bắt đầu chuyển qua xét hỏi nhóm các bị cáo là cá nhân, chủ doanh nghiệp về hành vi đưa hối lộ.

Khai tại tòa, một bị cáo là chủ doanh nghiệp tại Vũng Tàu, cho biết doanh nghiệp mình có 7 xe, chở vật liệu từ mỏ cát, đá trong tỉnh. Vừa chở thuê vừa chở hàng về bán chạy quanh tỉnh. Trong quá trình chở hàng, xe của bị cáo bị dừng xe kiểm tra liên tục dù không vi phạm, lái xe có báo về cho bị cáo. Việc bị kiểm tra liên tục khiến không đảm bảo thời gian giao, bị trễ hàng, ảnh hưởng việc làm ăn.

"Sau đó Trí gọi điện cho bị cáo nói phải đưa tiền cơm nước, cà phê cho anh em mới ít bị kiểm tra. Bị cáo Trí cho số tài khoản, ấn định số tiền gửi, có tháng 41-42-45 triệu/1 tháng"- bị cáo khai.

Hỏi lý do tại sao có sự chênh lệch tiền hàng tháng, bị cáo cho hay có tháng xe chạy ít, ế ẩm nên khi Trí gọi điện kêu chuyển khoản thì than thở ế xin bớt cho anh em 1, 2 triệu. Tổng cộng doanh nghiệp bị cáo chuyển 19 lần tiền từ tháng 5-2021 đến 2-2023 vào tài khoản do Trí chi với số tiền hơn 780 triệu đồng. Bị cáo nhờ anh trai chuyển 15 lần, vợ chuyển 4 lần, chỉ nói chuyển tiền hàng.

Một bị cáo là chủ doanh nghiệp khai trước tòa lý do phải chung chi, đưa hối lộ cho thanh tra giao thông. Ảnh: TK

Theo bị cáo, dù làm ăn không lợi nhuận nhiều nhưng buộc phải chung chi. Bị cáo không chủ động gọi gợi ý chung chi mà bị cáo Trí gọi.

Xe bị dừng bởi các đội khác, không chỉ chỗ bị cáo Trí nhưng Trí là người gọi điện. Sau khi chuyển tiền thì xe ít bị kiểm tra. Bị cáo khẳng định xe mình hoạt động đúng quy định về tải trọng, giấy tờ xe. Nhưng nếu không đưa tiền thì bị kiểm tra liên tục, không đủ thời gian để chạy hàng.

Bị cáo khác là giám đốc công ty TNHH Nam Sơn Hà (TP Bà Rịa) cũng khai có 10 xe ben chở vật liệu xây dựng, chạy các địa bàn trong tỉnh.

Theo người này, có một cơ chế ngầm là các xe chạy trên đường phải chung chi. Bị kiểm tra nhiều lần nên xin số gọi cho Trí để thỏa thuận. Một xe 500 nghìn để xe không bị dừng kiểm tra. Chuyển khoản theo số tài khoản của Trí, sai phạm hay không chạy trên đường thì được bỏ qua vi phạm, ít bị dừng kiểm tra.

Tất cả các bị cáo ở đây cũng giống nhau, đều hiểu xe tham gia giao thông đều phải làm luật, chung chi. Doanh nghiệp này đã chuyển 20 lần tiền cho bị cáo Trí vào 2 tài khoản của Trí và bố vợ Trí tổng số tiền 483 triệu.

"Doanh nghiệp phải vay mượn tiền làm ăn nhưng buộc phải làm, gọi để thỏa thuận chung chi"- bị cáo khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới