Cứu tinh của trẻ đường phố

Jimmy Phạm được vinh danh là nhờ những cống hiến của anh trong việc cứu giúp cho hơn 300 thanh thiếu niên Việt Nam thoát khỏi nghèo đói trong hàng chục năm qua.

 “Cần câu cơm”
 
Biết tin mình được giải, sáng lập viên và là CEO  Tổ chức KOTO Quốc tế xúc động dạt dào. “Tôi đã từng được nhận nhiều giải thưởng nhưng với tư cách là người Úc. Lần này, được vinh danh là người Việt Nam nhận giải, tôi thấy vinh dự còn hơn gấp bội” - Jimmy Phạm thổ lộ.
 
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, năm 8 tuổi, cậu bé Jimmy Phạm đã cùng gia đình sang định cư tại Úc. Năm 1996, chàng thanh niên 26 tuổi trở về nơi chôn nhau cắt rốn, làm người điều hành các tour du lịch cho một công ty của Úc. Một hôm, anh tình cờ gặp 4 đứa trẻ lang thang trên một đường phố. Các em đang đói khát, kiệt sức và phải kiếm sống để nuôi gia đình. Jimmy Phạm mua phở cho bọn trẻ ăn, hỏi chuyện về cuộc sống cơ cực của các em.
 
“Lúc đó, trong tôi dần dà nung nấu ý tưởng làm sao tạo dựng được cho bọn trẻ một cuộc sống tốt đẹp hơn, có công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho gia đình, để cuộc sống của các em tươi đẹp hơn” - Jimmy Phạm nhớ lại. Cương quyết hơn, anh còn hứa với đám trẻ sẽ lo cho chúng có một tương lai sáng sủa, dù thật sự lúc đó chàng thanh niên này chưa biết mình sẽ phải làm gì. 

Cứu tinh của trẻ đường phố ảnh 1

Jimmy Phạm (giữa) và những thanh thiếu niên từ mái ấm gia đình KOTO được tạo dựng công ăn việc làm ổn định (ảnh do KOTO cung cấp)
 
Nói là làm, Jimmy Phạm bỏ nghề làm du lịch. Anh vay của gia đình 70.000 đô la Úc và nhờ một người đầu bếp Úc giúp sức mở một cửa hàng bán bánh để giúp các em lang thang cơ nhỡ có nơi ăn, chốn ở. Thoạt đầu chưa có kinh nghiệm, anh còn không hiểu thế nào là khuấy sữa, thế nào là pha bột làm bánh. Nhưng Jimmy dần “ngộ” ra một điều: Bọn trẻ không những cần cơm ăn mà còn cần có “cần câu cơm”, nghĩa là các em phải được trang bị kiến thức, được học hành đến nơi đến chốn.
 
Thế là từ một nhà hàng nhỏ, cả một trung tâm dạy nghề mang tên KOTO (Know one, teach one) đã ra đời.  Jimmy Phạm tự hào vì Trung tâm KOTO của anh đã mở được  19 khóa học ở Hà Nội và 3 khóa ở TPHCM, cho “ra lò” hơn 300 thanh thiếu niên đường phố có hoàn cảnh khó khăn biết kiếm sống một cách đàng hoàng.
 
Jimmy Phạm tâm sự: “Tôi và các em như anh em ruột thịt. Chúng tôi sống trong một đại gia đình lớn, hòa thuận và thương yêu nhau. Các khóa học vừa dạy các em tự nuôi sống bản thân và có một cuộc sống ổn định vừa dạy các em làm người”. Do vậy, chương trình đào tạo của KOTO kéo dài 24 tháng bao gồm 2 chuyên ngành chính là dịch vụ tiền sảnh và bếp. Ngoài ra, các em còn được học thêm các kỹ năng sống, tiếng Anh, văn hóa…, tạo một nguồn sinh lực dồi dào cả về vật chất và tinh thần.
 
Đại gia đình
 
Jimmy Phạm nhớ lại những năm tháng vất vả ban đầu khi anh và những người bạn phải hứng chịu những lời chê bai, chỉ trích cho rằng đối với trẻ bụi đời, chỉ cần cho chúng tiền, cho cơm ăn, áo mặc thôi chứ không cần dạy dỗ, tạo nghề cho chúng. Vậy mà anh vẫn quyết tâm và đứng vững. Những đứa trẻ không may mắn được anh đỡ đầu sau khi đào tạo ở KOTO đều có  “đầu ra” là công việc ở những khách sạn lớn như Hilton, Sofitel, Sheraton, Intercontinental; được đi thực tập ở Thụy Sĩ, Úc và làm việc cả ở Dubai, Macau...
 
“Giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu đã ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi, chia sẻ với hoàn cảnh của những trẻ em đường phố, những thanh thiếu niên kém may mắn và là nguồn khích lệ lớn cho những gì chúng tôi đang làm tại KOTO. Điều đó cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vì cộng đồng trong việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vươn lên khỏi nghèo khó để bắt đầu một cuộc sống đàng hoàng, tốt đẹp hơn” - Jimmy bộc bạch. 

Cứu tinh của trẻ đường phố ảnh 2
 Jimmy Phạm với các học viên Trung tâm KOTO

Định hướng tương lai thế giới

Mỗi năm, giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới trao tặng cho 200 nhà lãnh đạo trẻ trên thế giới có độ tuổi dưới 40 trong số khoảng 5.000 ứng viên.  Năm 2011, có 190 nhà lãnh đạo trẻ từ 65 quốc gia được nhận giải này.

Tiêu chí xét giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu là những thành tựu về chuyên môn, mức độ cống hiến cho xã hội và có tiềm năng góp phần định hướng tương lai thế giới thông qua khả năng lãnh đạo có sức ảnh hưởng của mình. Tới nay, đã có 650 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Các nhà lãnh đạo trẻ này sẽ họp mặt tại một hội nghị thượng đỉnh hằng năm. Năm nay, hội nghị này sẽ được tổ chức tại Đại Liên - Trung Quốc từ ngày 12 đến 16-9.

Jimmy cho biết mô hình tổ chức KOTO của anh được xây dựng như một đại gia đình, đúng với tên gọi của nó - người này biết thì dạy cho người kia. “500 em được dạy có thể nhân lên thành 1.500 em và hơn thế nữa, để bọn trẻ có thể tự lập được cuộc sống sau này, tự nuôi nấng và đùm bọc nhau. Cho đến nay, tôi có thể tự hào mà nói rằng trong số các em bất hạnh được KOTO nuôi dưỡng, dạy dỗ, chưa có em nào phải quay lại cuộc đời cũ, nghiện ngập ma túy trở lại, bị đưa vào trường, trại hay phải tiếp tục sống  bụi đời” - người sáng lập KOTO hãnh diện. 
 
Jimmy Phạm khẳng định anh có thể nhớ tên, quê quán, hoàn cảnh gia đình của từng đứa em của mình. Đại gia đình lớn của anh đã hình thành từ chính niềm tin vào các em, vào những giấc mơ đượm tình người của chúng. Theo Jimmy Phạm, dự án của anh làm cho các em tin tưởng vào cuộc sống hơn, không còn phải lo sợ vì bị coi là nghèo hèn, lang thang, cơ nhỡ, sống phù du đắp đổi qua ngày. “Những em nhỏ được KOTO đào tạo đã quay lại “trả ơn” tôi bằng cách làm việc tốt hơn, làm gương cho những đứa trẻ khác mới vào nghề” – Jimmy Phạm khoe.
 
Vai trò tiên phong
 
Chị Phạm Thị Huệ, người Việt Nam đã từng đoạt giải Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu trước đây, cũng chia sẻ niềm vui và bày tỏ sự mến mộ đối với những đóng góp của Jimmy Phạm. “Tôi thật sự ấn tượng về Jimmy. Anh ấy là một người nhân hậu và đã đóng góp hết sức mình để giúp đỡ người khác. Tôi thật sự thích chương trình KOTO, một chương trình thật sự mang lại hơi ấm tình thương của một gia đình đến cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn” - chị Huệ xúc động.
 
Đại sứ Úc tại Việt Nam Alaster Cox cho biết: “Giải thưởng này là sự công nhận vai trò tiên phong của Jimmy trong việc giúp các thanh thiếu niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn bằng cách giúp họ có kỹ năng nghề và kỹ năng sống. Giá trị của KOTO nằm ở chỗ đã mang đến một nền giáo dục kéo dài cả đời và đóng góp cho cộng đồng” .
 
Chiến lược tương lai của Jimmy Phạm là mở rộng mô hình này sang Campuchia và mở thêm một trường dạy nghề ở Hà Nội để tiếp tục hỗ trợ thanh thiếu niên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Được tặng giải Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, Jimmy Phạm hy vọng anh sẽ được gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo trẻ tài năng khác trên thế giới để được mở rộng thêm tầm hiểu biết, có ích cho công việc từ thiện của mình, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp cả thế giới. 

Theo Bích Diệp (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm