Cựu vụ trưởng Bộ Y tế: ‘Ký vì sơ suất, tin là đã đầy đủ’

(PLO)- Cựu vụ trưởng thuộc Bộ Y tế thừa nhận có vi phạm vụ “thụt ngân sách” hơn 3,8 triệu USD nhưng cho rằng vì tin tưởng đề xuất của ban quản lý nên sơ suất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sai phạm trong việc mua thuốc Tamiflu để phòng chống dịch cúm A/H5N1.

Đây là vụ án xảy ra cách đây đã 16 năm, có trách nhiệm liên đới đến hàng loạt cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Y tế, trong đó có ông Cao Minh Quang (cựu thứ trưởng), Dương Huy Liệu (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính), Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Cục Quản lý Dược)…

Theo cáo trạng, năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir.

Các bị cáo tại tòa sáng 21-11. Ảnh: UYÊN TRANG

Các bị cáo tại tòa sáng 21-11. Ảnh: UYÊN TRANG

Từ tháng 2 đến tháng 4-2006, Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng.

Về sau, giá nguyên liệu giảm, bị cáo Lương Văn Hóa - cựu tổng giám đốc Dược Cửu Long chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,848 triệu USD.

Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, ông Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. ​​​​​​​Hành vi dẫn tới ngân sách bị thiệt hại 3,848 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng).

Cựu tổng giám đốc nhận lỗi

Khai trước tòa, bị cáo Lương Văn Hóa thừa nhận trong hợp đồng ký kết giữa Dược Cửu Long và Bộ Y tế có điều khoản quy định công ty tiếp tục đàm phán với nhà sản xuất để được giảm giá nguyên liệu, trường hợp được giảm giá thì phải báo cáo Bộ Y tế.

Tuy nhiên, bị cáo cho rằng việc giảm giá ở đây là nhà sản xuất giảm giá cho Dược Cửu Long, sau đó Dược Cửu Long mới xem xét giảm giá cho Bộ Y tế.

Theo lời ông Hóa, sau khi đã mua nguyên liệu thì dịch bệnh giảm, khả năng dùng thuốc ít đi so với dự kiến ban đầu. Bị cáo chỉ đạo cấp dưới đàm phán với Công ty Mambo xem xét giảm giá. Mãi tới cuối 2015 đầu 2016, thời điểm ông Hóa chuẩn bị nghỉ hưu, phía Mambo vẫn chưa trả lời chính thức có giảm giá hay không.

Quá trình thực hiện, Dược Cửu Long cũng từng báo cáo Bộ Y tế rằng sẽ thanh toán nốt số tiền 3,848 triệu USD cho Mambo, nhưng vì khi ấy có trục trặc nên chưa thực hiện được. Thực tế cho đến nay, Dược Cửu Long không phải thanh toán số tiền này.

Giải thích việc không phải trả 3,848 triệu USD nhưng không báo cáo với Bộ Y tế, cựu tổng giám đốc Dược Cửu Long cho rằng vì phía Mambo chưa có trả lời chính thức về việc đồng ý giảm giá nên công ty cũng chưa báo cáo bằng văn bản với Bộ Y tế.

Ông Hóa nhiều lần nhắc lại thời điểm năm 2005, Dược Cửu Long gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Do vậy, công ty đã dùng số tiền trên để tự “cứu mình”, để trả lãi ngân hàng, bổ sung vốn… Việc hạch toán này không được báo cáo Bộ Y tế.

Bị cáo nói biết tiền là của ngân sách, nhưng cho rằng hợp đồng giữa Dược Cửu Long và Bộ Y tế là hợp đồng kinh tế, “anh mua hàng của tôi thì trả tiền cho tôi”, chứ không nhận thức được tiền nhà nước thì phải sử dụng cụ thể như thế nào.

Đến nay, khi đã phải đứng trước tòa, bị cáo “không có ý kiến gì về bản cáo trạng”, biết bản thân có lỗi, còn lỗi đến đâu thì tùy thuộc cơ quan tố tụng đánh giá.

Các bị cáo khác tại Dược Cửu Long khi được thẩm vấn cũng đều thừa nhận hành vi vi phạm, nói thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty.

Bị cáo Lương Văn Hóa, cựu tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Lương Văn Hóa, cựu tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Ký thanh lý vì sơ suất, không kiểm tra

Vẫn theo cáo trạng, các bị cáo tại Bộ Y tế được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng, theo dõi thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng và định kỳ kiểm tra, đánh giá việc mua bán nguyên liệu sản xuất thuốc giữa Dược Cửu Long và nhà cung cấp.

Tuy vậy, các bị cáo đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không xem xét, đánh giá việc thực hiện điều khiển đàm phán giá mua nguyên liệu, không kiểm tra báo cáo tài chính, chứng từ thanh toán… Hậu quả dẫn đến không phát hiện Dược Cửu Long được giảm giá và giữ lại số tiền 3,848 triệu USD.

Khai trước HĐXX, bị cáo Dương Huy Liệu (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính) thừa nhận trong hợp đồng ký kết giữa Dược Cửu Long và Bộ Y tế có điều khoản nếu công ty được giảm giá nguyên liệu thì phải báo cáo với Bộ Y tế.

Tuy nhiên, khi ký thanh lý hợp đồng, bị cáo đã không xem xét, kiểm tra việc này, nên không phát hiện việc Dược Cửu Long được giảm 3,848 triệu USD. Nguyên nhân vì khi Ban quản lý dự án trình hồ sơ lên, bị cáo thấy đã đầy đủ, trong đó có nội dung hai bên tiếp tục thực hiện những nội dung còn lại, vì vậy tin tưởng nên ký.

Mãi sau này, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc, rồi Thủ tướng, Bộ trưởng chỉ đạo xử lý, bị cáo mới biết việc Dược Cửu Long được giảm giá, nhưng khi ấy đã nghỉ hưu.

Bị cáo thừa nhận có trách nhiệm khi thời điểm thanh lý hợp đồng không yêu cầu Ban quản lý dự án kiểm tra xem Dược Cửu Long đã trả hết tiền cho nhà sản xuất hay chưa, khiến không phát hiện ra sai phạm.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính) cũng thừa nhận điều khoản được nêu trong hợp đồng. Dù vậy, khi ký biên bản thanh lý, do không nhận được thông tin Dược Cửu Long được giảm giá nên bị cáo sơ suất không yêu cầu kiểm tra, có một phần trách nhiệm khi để xảy ra thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm