Đã có hướng giải quyết cho gia đình 'rất khác' ở Đà Nẵng

(PLO)- Phó chủ tịch quận Liên Chiểu đã đến thăm hỏi, tìm hướng giải quyết việc chữa bệnh, đi học cho hai cháu nhỏ và chỗ ở về lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-6, ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã đến căn nhà hoang – nơi sinh sống của gia đình bốn người không giấy tờ tùy thân, sống rất khác giữa TP Đà Nẵng mà PLO đã phản ánh.

Đi cùng ông Nhường có Phó Phòng LĐTBXH quận Liên Chiểu, Phó Chủ tịch và cán bộ công tác xã hội phường Hòa Minh.

Đoàn công tác của Phó chủ tịch quận Liên Chiểu đến thăm gia đình. Ảnh: H.H

Đoàn công tác của Phó chủ tịch quận Liên Chiểu đến thăm gia đình. Ảnh: H.H

Theo ông Nhường, trường hợp gia đình này, hai người lớn đều có dấu hiệu bị tâm thần. Trước mắt, quận dự kiến sẽ xác nhận tạm thời (thay giấy khai sinh) để hai cháu đi học, khai sinh sẽ làm tiếp theo. Ông Nhường đã giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo quận vận động tài trợ giúp đỡ cho các cháu có đủ điều kiện học.

“Vào ngày mai, tôi sẽ làm việc cụ thể với Trung tâm y tế và bệnh viện để có thể tiếp tục điều trị bệnh lao cho bốn người. Việc rất khó bây giờ là hai cháu nhỏ không chịu uống thuốc. Nhưng sẽ có cách để điều trị cho hai cháu nhỏ. Khoảng ba tháng nữa khả năng bệnh lao hai cháu hết là vừa vào đầu năm học”, ông Nhường cho hay.

Ông Nhường cho biết, các khoản hỗ trợ khác giao cho Phòng LĐTBXH đảm trách. Quận sẽ có văn bản gửi các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm nhờ giúp đỡ. Về chỗ ở, trước mắt để họ ở tạm thời chỗ hiện nay. Đồng thời, UBND quận sẽ trình TP xin cho lên Trung tâm bảo trợ xã hội.

“Tuy nhiên, cái khó hiện nay sợ lên đó họ không chịu ở vì tù túng, ảnh hưởng thêm tâm lý. Vì họ vẫn đang tập và cần hướng dẫn họ hòa nhập cộng đồng. Tuy họ bị tâm thần không ổn định nhưng vẫn còn tự lo vệ sinh, nấu ăn và chở con đi học được. Tôi phải lên bệnh viện tâm thần để nhờ tư vấn cách ứng xử cụ thể với hai người này”, ông Nhường nói.

Cả gia đình sau khi được Phó chủ tịch đến thăm. Ảnh: H.H

Cả gia đình sau khi được Phó chủ tịch đến thăm. Ảnh: H.H

Còn về nguồn gốc hai người này, sau khi báo chí đăng tải, có người đã xác định được người cha tên là Dương Minh Châu (38 tuổi, hộ khẩu đăng ký ở phường Hoà Cường Nam, quận Hải Châu).

Vào ngày 4-1-2013 anh Châu chuyển sang ở tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Còn chị Bình thì có người dì xác nhận là sinh tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng không có giấy tờ gì chứng minh. Quận sẽ nghiên cứu về trường hợp này để hướng dẫn cho người thân chị này làm.

*Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương ngày 14/6/2023 có hướng dẫn làm giấy khai sinh cho trẻ em tương tự trường hợp ở Đà Nẵng.

Cụ thể: Nhằm bảo đảm quyền được đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em có cha, mẹ đều là công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh sống ở nhiều nơi khác nhau có con và trẻ chưa được đăng ký khai sinh (ĐKKS) hoặc trường hợp cha/mẹ không còn hộ không còn hộ khẩu tại địa phương hoặc cha/mẹ trẻ không có giấy tờ chứng minh nhân thân, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương gốc.

Đối với các trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn cha mẹ trẻ hoặc người thân thích của trẻ thực hiện việc đăng ký khai sinh theo các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Cha/mẹ trẻ có giấy tờ chứng minh nhân thân, vẫn còn hộ khẩu thường trú tại địa phương gốc (nơi đi). Đối với trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, xác minh việc ĐKKS của trẻ tại nơi cư trú gốc của cha/mẹ trẻ. Nếu trẻ chưa được ĐKKS thì hướng dẫn cha/mẹ trẻ thực hiện Đ​KKS cho trẻ tại UBND cấp xã nơi đang sinh sống theo quy định tại Điều 35 Luật hộ tịch.

Trường hợp 2: Cha/mẹ trẻ có giấy tờ chứng minh nhân thân, không còn hộ khẩu tại địa phương địa phương gốc (do bị xóa đăng ký thường trú), thì UBND cấp xã nơi đang sinh sống thực hiện ĐKKS theo quy định tại Điều 35 Luật hộ tịch và Luật Cư trú.

Trường hợp 3: Cha/mẹ trẻ không có giấy tờ chứng minh nhân thân, không có hộ khẩu thường trú tại địa phương gốc. Trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xác minh các thông tin về nhân thân và quá trình cư trú của cha/mẹ và trẻ tại nơi đang sinh sống, có thể trực tiếp xác minh, làm việc với tổ trưởng dân phố, hàng xóm, khu công nghiệp....Trên cơ sở kết quả xác minh, nếu trẻ chưa được ĐKKS, mẹ của trẻ không có giấy tờ tùy thân, không có giấy tờ chứng minh nơi cư trú, không thuộc trường hợp di cư tại các tỉnh biên giới, nhưng cơ quan công an có thẩm quyền xác định có tên thường gọi và đang cư trú trên địa bàn thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện ĐKKS cho trẻ theo quy định pháp luật, nội dung khai sinh ghi theo các thông tin hiện có, thông tin nào của người mẹ và của trẻ chưa rõ (dân tộc, quê quán, thông tin về người cha...) thì để trống.​

Nguồn:https://stp.binhduong.gov.vn/hanhchinhtuphap/Lists/HoTich/DispForm.aspx?ID=155&PageIndex=12

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm