Đã có tài xế bị phạt 35 triệu đồng vì... bia, rượu

Ngày 2-1, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết lực lượng CSGT đã xử phạt những trường hợp đầu tiên vi phạm nồng độ cồn theo quy định mới tại Nghị định 100/2019.

Có nồng độ cồn là bị xử phạt

Theo đó, khoảng 21 giờ 30 tối 1-1, tổ công tác Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT) làm nhiệm vụ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tổ công tác đã ra hiệu dừng ô tô biển số 29C-45.xx để kiểm tra nồng độ cồn.

Khi xuống xe, tài xế tỏ ra không hợp tác, tổ công tác đã rất vất vả để buộc người này chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn theo quy định.

Kết quả xác định ông LKT, tài xế điều khiển chiếc ô tô, có nồng độ cồn lên tới 0,719 mg/lít khí thở, vượt mức cao nhất trong khung xử phạt về vi phạm nồng độ cồn.

Theo quy định của Nghị định 100/2019, CSGT đã lập biên bản để xử phạt hành vi vi phạm của ông T. với mức tiền 35 triệu đồng. Đồng thời, ông T. còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng.

Tương tự, Phòng CSGT (PC08, Công an TP Hà Nội) cũng đang thực hiện đợt cao điểm và xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn theo quy định mới.

Cũng trong ngày 2-1, tổ công tác Đội CSGT số 1, PC08 Hà Nội triển khai nhiệm vụ tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng.

Theo ghi nhận, trong khoảng 30 phút, tổ công tác dừng bốn xe máy để kiểm tra nồng độ cồn thì cả bốn xe đều vi phạm. Trong đó, ông NVD (56 tuổi, trú tại Hà Nội) có kết quả đo nồng độ cồn ở mức 0,489 mg/lít khí thở.

Với mức này, ông D. bị phạt 7 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng. Nói với PV, ông D. cho biết chỉ uống có hai chén rượu với bạn, không ngờ mức phạt cao đến thế. Với mức phạt như thế này thì ông không bao giờ uống rượu bia rồi lái xe nữa.

Đáng chú ý là trường hợp của ông ĐTL (56 tuổi, trú tại Hà Nội). Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn của ông L. là 0,201 mg/lít khí thở. Với mức này, ông L. bị xử phạt 2,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 11 tháng.

Theo quy định cũ (Nghị định 46/2016), ông L. sẽ không bị xử phạt vì nồng độ cồn dưới 0,25 mg/lít khí thở. Tuy nhiên, với quy định mới tại Nghị định 100/2019, chỉ cần có nồng độ cồn trong hơi thở, tài xế sẽ bị xử phạt.

CSGT TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trong ngày 2-1. Ảnh: ĐÌNH HUẾ

Đa số trường hợp vi phạm nồng độ cồn là xe máy

Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, từ ngày 1-1, đơn vị đã triển khai cho các đội áp dụng Nghị định 100/2019 trong xử phạt vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ. Cũng theo đơn vị này, biên bản vi phạm vẫn áp dụng biên bản cũ nhưng áp dụng mức phạt mới theo Nghị định 100/2019.

Tối 1-1, trên đường Phạm Văn Đồng ở quận Thủ Đức, TP.HCM, Đội tuần tra dẫn đường thuộc Phòng CSGT, Công an TP.HCM đã lập biên bản vi phạm với tài xế điều khiển ô tô biển số 29A-623… Qua kiểm tra nồng độ cồn, tài xế này có nồng độ cồn trong hơi thở ở mức 0,805 mg/lít khí thở. Theo nghị định mới, tài xế này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng.

Trong ngày 2-1, đơn vị đã lập biên bản để xử phạt 24 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Các trường hợp bị xử phạt theo nghị định mới chủ yếu là người điều khiển xe máy.

Ngày 2-1, một lãnh đạo Phòng CSGT TP Cần Thơ cho hay mặc dù Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 nhưng nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ nội dung, mức phạt mới. Cạnh đó, đơn vị cũng chờ Cục CSGT và Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, áp dụng nghị định này.

Trong ngày 1-1, lực lượng CSGT của phòng và các địa phương đã tổ chức 80 cuộc tuần tra. Qua đó phát hiện và lập biên bản 55 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tước 30 GPLX và tạm giữ 16 phương tiện. Đa số các trường hợp vi phạm là xe máy.

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Võ Văn Thăng, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, thông tin: Để xử lý trường hợp vi phạm theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Công an TP sẽ căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Công an để xử lý các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ thường xuyên mở các cao điểm, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý về nồng độ cồn đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cùng ngày, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị này đang gấp rút in các biểu mẫu mới liên quan đến Nghị định 100/2019. Trong ngày đầu nghị định này có hiệu lực, CSGT Đà Nẵng chưa lập biên bản vi phạm nào về mức xử phạt mới.

“Sở dĩ chưa lập biên bản là vì chúng tôi nhận văn bản có hiệu lực từ ngày 31-12-2019. Ngày 1-1-2020 là ngày nghỉ tết Dương lịch. Lực lượng CSGT Đà Nẵng cũng đã triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân trong ngày lễ. Bắt đầu từ tối 2-1, chúng tôi đã gấp rút in các biểu mẫu, tổ chức họp khẩn để triển khai và ra quân để tuyên truyền, đồng thời sẽ lập biên bản vi phạm theo nghị định mới” - Đại tá Truyền cho hay.

Cũng theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, mức phạt trong nghị định mới cao hơn rất nhiều so với nghị định cũ. Nhiều người dân không theo dõi sẽ thấy bất ngờ về mức phạt và sẽ có phản ứng với lực lượng làm nhiệm vụ. Phòng CSGT Đà Nẵng mong muốn báo chí, các địa phương tích cực tuyên truyền về mức phạt mới, lợi ích của việc tuân thủ luật giao thông để bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người.

Tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tăng

Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM cho thấy số ca cấp cứu tai nạn giao thông liên quan rượu, bia trên địa bàn TP.HCM trong ngày đầu thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn nhiều và có xu hướng tăng.

Theo BS Nguyễn Ngọc Tài, trong ngày 1-1, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM tiếp nhận 17 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, trong khi ngày 31-12-2019 chỉ có năm ca (tăng 12 ca). 

Còn BS Kim Phúc Thành, Phó Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, BV quận Thủ Đức, cho biết số ca cấp cứu do tai nạn giao thông ngày 1-1 là 22, tăng bảy ca so với ngày 31-12-2019 (15 ca).

BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết tổng cộng có 47 ca cấp cứu tai nạn giao thông trong ngày 1-1. Trong khi đó, con số này vào ngày 31-12-2019 là 29 ca (tăng 18 ca).

Đáng chú ý, đa phần tai nạn giao thông nêu trên đều có liên quan tới rượu, bia.

TRẦN NGỌC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm