Đã đến lúc mở cửa để người dân đi du lịch

Hiện nay, cả người dân lẫn các công ty du lịch đều mong muốn du lịch nội địa mạnh dạn trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng mỗi địa phương có kế hoạch phòng chống dịch khác nhau, thiếu phối hợp, kết nối nên cả khách du lịch lẫn các công ty lữ hành đều gặp khó.

Từ đầu tháng 10, nhiều địa phương đã mở cửa du lịch nhưng vẫn còn loay hoay với bộ tiêu chí du lịch an toàn và một số công ty du lịch thừa nhận chưa dám mở cửa hoặc không biết trả lời với khách sao cho thỏa đáng.

 

Quảng Nam, Kiên Giang, Khánh Hòa đón khách quốc tế

Sáng 20-11, TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức đón khoảng 50 du khách quốc tế.

Cùng ngày, TP Phú Quốc, Kiên Giang đón 209 du khách Hàn Quốc và dự kiến sẽ đón từ 20 chuyến bay quốc tế/tháng trong giai đoạn tới.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu từ du lịch chín tháng đầu năm 2021 đạt gần 137.000 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2020.

Sự kiện đón khách quốc tế đến Phú Quốc là một tín hiệu đầy hứng khởi cho ngành du lịch Việt Nam. Sự kiện này chứng minh rằng trong thời điểm hiện tại, mở cửa du lịch là một nhiệm vụ cấp bách, tiến tới mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế.

Các địa phương cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Hướng dẫn tạm thời 3862 của Bộ VH-TT&DL. Các địa phương trong thực tế triển khai Hướng dẫn tạm thời 3862 cần phối hợp để thống nhất hành động, tạo sự bứt phá. Doanh nghiệp cần liên kết về thị trường, sản phẩm, xúc tiến, quảng bá.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại tọa đàm về du lịch diễn ra Kiên Giang.

Không dám đi du lịch

Tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều khu du lịch như Vườn hoa Đà Lạt, khu du lịch thác Datala, làng Cù Lần… vẫn chưa hoạt động. Các khu du lịch đều cho hay là đang chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo an toàn để đón khách nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan nên vẫn tạm dừng.

Du khách Đan Châu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại: Trước khi đến Đà Lạt, cả nhóm test COVID-19. Khi đến nơi, lại phải test thêm một lần nữa và khai báo y tế theo quy định… “Nhiều cơ sở lưu trú ở Đà Lạt vẫn dè dặt chưa nhận khách, nên việc tìm nơi nghỉ ngơi rất khó. Sau chuyến này, tôi sẽ đợi khi nào dịch ổn, đi lại thông thoáng hơn mới tiếp tục” - Đan Châu nói.

Thực tế hiện nay, nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ ở TP Đà Lạt ngại đón du khách vì sợ trở thành F0, F1 sẽ bị cách ly, phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và công việc kinh doanh. Vì vậy, dọc nhiều con đường ở Đà Lạt xuất hiện các bảng như “Không bán cho khách du lịch - xin thông cảm”, “Do tình hình dịch phức tạp quán hạn chế đón khách ngoài tỉnh - xin lỗi vì sự bất tiện này...” .

Núi Bà Đen là địa điểm tổ chức tour du lịch khép kín giữa TP.HCM
và tỉnh Tây Ninh. Ảnh: thu trinh

Tương tự, từ cuối tháng 10, Bà Rịa-Vũng Tàu đã mở cửa giai đoạn 2 nhưng vẫn chưa thông qua việc cho phép các cơ sở lưu trú đón khách qua đêm. Chị Võ Thị Minh Thu (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) định đi xe cá nhân đến TP Vũng Tàu nhưng lo ngại dịch, cộng thêm thông tin không phục vụ nước ngọt sau khi tắm biển nên đành tạm hoãn chuyến đi.

Cũng theo chị Thu, Vũng Tàu mới chỉ mở bốn khách sạn phục vụ khách nghỉ qua đêm. “Nếu không có điều kiện tài chính thì du lịch mùa này không dễ vì khá tốn kém, nhiều phiền phức” - chị nói.

Nhiều người thừa nhận, sợ bị trở ngại trên đường như chốt kiểm soát, bị cách ly, truy vết, xét nghiệm, không tìm được khách sạn, nhà nghỉ nên không còn hào hứng để đi du lịch.

Muốn đón khách nhưng sợ bị đóng cửa

Chia sẻ với PV, ông Văn Tuấn Anh, Giám đốc khu du lịch làng Cù Lần (Lâm Đồng), thông tin: Nhân viên phục vụ trong làng vừa tiêm mũi 2 được một tuần nên chưa đủ tiêu chuẩn để hoạt động. Thứ hai, khách đến một ngày khoảng vài ba trăm người và để phục vụ lượng khách này phải huy động toàn bộ số nhân viên đã nghỉ trước đó đi làm lại. “Nhưng nếu chẳng may có một ca F0, lập tức làng sẽ bị giăng dây và đóng cửa” - ông nói.

“Nếu bị phong tỏa, du khách sẽ bị kẹt lại cộng thêm số nhân viên đang làm việc thì chúng tôi không đủ khả năng đáp ứng. Một ca F0, cả làng bị phong tỏa, cách ly, dừng toàn bộ thì thực sự chúng tôi chưa muốn mở cửa lại” - ông Tuấn Anh tiếp.

Vì vậy, theo ông Tuấn Anh, khu du lịch sẽ chờ thêm một thời gian nữa mới mở cửa. “Chờ dịch COVID-19 tạm ổn và chờ chính sách của địa phương về đón khách du lịch cũng như cách xử lý, giải quyết khi có ca nhiễm… thì chúng tôi sẽ làm theo” - ông chia sẻ.

Không chỉ Lâm đồng mà hiện nay lượng khách đến với Khánh Hòa cũng còn rất ít nên các dịch vụ, cơ sở lưu trú chưa mạnh dạn mở cửa vì chi phí vận hành lớn và rủi ro cao. Bà Nguyễn Trần Thụy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Fami, cho biết theo dự kiến công ty sẽ mở cửa từ ngày 1-12 nhưng hiện số booking gửi về công ty vẫn chưa có.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả về mặt thủ tục và phương án phòng chống dịch. Bây giờ mọi thứ đều có sự chuẩn bị từ trước nhưng chủ yếu là tâm lý của khách hàng ngại dịch. Phải có khách thì mới mở cửa vì chi phí vận hành rất cao, phải huy động 50%-75% nhân sự đi làm lại. Chỉ cần có booking là công ty mở cửa ngay” - bà Thụy Tiên thông tin.

Về phía TP.HCM, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour, cho biết trong thời gian qua công ty tổ chức nhiều tour từ TP.HCM đến các vùng xanh, đặc biệt tour du lịch khép kín TP.HCM đến bốn điểm đến ở Vũng Tàu. Sắp tới, công ty sẽ làm việc để mở tuyến du lịch đến những nơi xa hơn như Phú Quốc, Nha Trang vào giữa tháng 12.

Tuy nhiên, một số công ty du lịch thừa nhận khi du khách hỏi đã đi du lịch được chưa thì không biết trả lời ra sao cho thỏa đáng. Nguyên nhân do mỗi địa phương có kế hoạch phòng chống dịch khác nhau, kiểm soát người ra vào khác nhau và thay đổi liên tục nên cả khách du lịch lẫn các công ty lữ hành đều rất khó nắm bắt. Thậm chí, có địa phương vẫn bắt phải lưu trú trong khách sạn bảy ngày nên rất khó cho khách du lịch, cản trở sự phục hồi của ngành này.

Vì vậy, các công ty du lịch mong muốn các địa phương phải phòng chống dịch nhưng tư duy mới, mô hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Vì nếu địa phương này mở cửa trong khi địa phương khác vẫn cứ đóng thì làm khó cho cả nhà kinh doanh lẫn người muốn đi du lịch.

Cần sớm có quy trình

Ngành du lịch TP.HCM xác định ba giai đoạn phục hồi từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022.

Vừa qua, từ cuối tháng 10 và trong tháng 11, ngành du lịch TP.HCM nỗ lực, chủ động thực hiện hàng loạt các buổi kết nối với các địa phương từ ĐBSCL, miền Trung đến Tây Nguyên để mở tour liên vùng, phục hồi du lịch.

Qua các khảo sát, làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo các địa phương nói trên, Sở Du lịch đã đề nghị các doanh nghiệp (DN) nhanh chóng xây dựng và triển khai các chương trình tour kết nối. Và các công ty dịch vụ lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Lữ hành Fiditours, Saco, TST, Benthanh... đã tổ chức các tour tuyến.

Cụ thể Saigontourist tổ chức một số tour đi Bến Tre (50 khách), Long An (30 khách), Bình Châu- Hồ Cốc (40 khách). Vietravel tổ chức hàng trăm khách đi một số tour đi Nha Trang, Bình Định, Vũng Tàu, Phan thiết… Lửa Việt Travel đang triển khai tổ chức các tour đi Đà Nẵng - Bà Nà - Hội An, Nha Trang, Phan Thiết…

Dịch bệnh những ngày gần đây bùng phát ở các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai tiếp các chương trình liên kết. Tuy nhiên, các DN lữ hành cũng chuẩn bị các chương trình chào bán cho đợt cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trong dịp tết Nguyên đán qua những chương trình kích cầu du lịch sẽ giới thiệu trong Ngày hội du lịch trực tuyến kéo dài hết tháng 12. Qua đó tạo điều kiện cho người tiêu dùng du lịch chọn lựa nếu tình hình khống chế dịch bệnh tốt hơn.

Hiện các địa phương có cách phòng chống dịch khác nhau nên DN du lịch TP.HCM phần nào gặp khó khăn trong tổ chức tour. Khi ký liên kết thỏa thuận về việc đón khách du lịch thì yêu cầu tuân thủ về phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL nhưng lúc triển khai, nhiều địa phương đưa ra các chính sách khác, ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của DN như các chính sách quy định về xét nghiệm PCR, bảo hiểm COVID-19, công suất vận tải hành khách…

Vì vậy, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất nên có sự thống nhất phương án đón khách du lịch tại các tỉnh theo cơ sở quản lý bốn cấp độ thích ứng an toàn chống dịch của Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cần sớm ban hành quy trình xử lý đối với trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc ca nhiễm COVID-19 trong khi khách tham gia chương trình du lịch để thống nhất cách xử lý giữa các địa phương theo hướng đảm bảo an toàn nhưng không ảnh hưởng chuyến đi của các du khách khác trong đoàn.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.