Đội tuyển nữ VN thì đến Palembang sớm hơn một ngày so với quy định, chưa có khách sạn của ban tổ chức cũng than là bị “chơi”.
Không phải chỉ có các đội tuyển của VN mà đội khách nào cũng rơi vào tình trạng như thế. Olympic Nhật Bản đi tập sân xa 50 km nhưng họ vẫn chịu khó vì lịch đã lên sẵn, chẳng than thở lấy nửa lời.
Lại nhớ những ngày U-23 VN đá giải châu Á ở Trung Quốc dưới cái lạnh âm độ, tuyết rơi trắng xóa, ngập đầy sân… cầu thủ chơi tốt để đoạt HCB. Học trò ông Park đá ngang ngửa với đối thủ cao to, quen đá bóng dưới tuyết như Uzbekistan chẳng hề hấn gì.
Thay vì than thở, hãy tìm cách vượt khó!
Olympic Việt Nam tập trên sân cỏ xấu. Ảnh: HUY PHẠM
Còn nhớ SEA Games 2009 tại Lào, bầu Đức có lần lớn tiếng về cái gọi là đòi hỏi quá đáng nơi ăn chốn ở làng VĐV của cầu thủ U-23 VN. Môn bóng đá vốn được quan tâm nhiều hơn những môn khác, là môn thể thao vua nên rất dễ “sướng quen, khổ chịu không nổi”. Nhìn sang các VĐV môn khác truân chuyên, nghiệt ngã trong tập luyện, thi đấu, lại thu nhập thấp, cũng ít ai ca thán.
Cần biết chủ nhà Indonesia đăng cai Asiad 18 là giang tay giúp VN khi nhận lời tổ chức nhưng sau đó khó khăn về kinh tế nên trả lại. Nếu không có Indonesia đưa tay ra giúp thì thể thao VN chắc hẳn bị Ủy ban Olympic châu Á phạt rất nặng.
Thử hỏi một kỳ Asiad có 25 đội bóng nam và 11 đội bóng nữ tham dự, đòi hỏi sân tập rất nhiều cùng 39 môn thể thao khác với tổng số 16.000 VĐV, HLV, quan chức… mọi việc chưa vào guồng thì nếu có sai sót là điều tất yếu.
Thực tế không phải Indonesia bố trí sân tập xấu nhưng vì sân tốt quá xa khiến Olympic VN không chịu đi. Hãy nhìn sang Olympic Nhật Bản để học hỏi và chơi bóng đi, đừng phàn nàn nữa!