Đã khống chế ngập nhưng đường vẫn ngập

Đã khống chế ngập nhưng đường vẫn ngập ảnh 1
Cảnh ngập nước do triều cường trên đường Phan Đình Phùng đoạn từ cầu Kiệu đến chợ Phú Nhuận chiều 27.9. Ảnh: Lê Quang Nhật
Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, trong đợt triều cường này, có ít nhất ba tuyến đường, con hẻm bị ngập, gồm đường Bùi Hữu Nghĩa, (quận Bình Thạnh), đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) và hẻm 27 đường Nguyễn Văn Nguyễn (quận 1). Đây là những tuyến đường thuộc các khu vực mà theo trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM (trung tâm chống ngập) là đã khống chế được triều từ năm 2010. Người dân trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 1, quận Bình Thạnh, bức xúc: “Chuyện hễ mưa là ngập theo giải thích của cơ quan chức năng là do thi công dự án này nọ khiến nước thoát không được nghe còn lọt lỗ tai. Nhưng ngập do triều như ngày 27.9 vừa qua là không thể chấp nhận được vì chính mấy ổng đã tuyên bố là khống chế được triều rồi”. Cùng cảnh ngộ trên, con đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) chìm sâu trong nước vào chiều 27.9 như phản lại tuyên bố đã khống chế được triều của cơ quan chức năng thành phố.Các hộ dân ở hẻm 27 đường Nguyễn Văn Nguyễn (quận 1) thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Một người dân trong hẻm gay gắt: “Các ông chống ngập nên xuống đây vào lúc triều lên để thấy cảnh người dân chúng tôi phải leo lên hàng rào để vào nhà”. Ngày 29.9, trao đổi với phóng viên, một lần nữa ông Đỗ Tấn Long, trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM, khẳng định những tuyến đường bị ngập trong đợt triều cường ngày 27 đến sáng 28.9 vừa nêu là những tuyến nằm trong khu vực đã được khống chế ngập do triều. Theo ông Long, trong đợt triều cường vừa qua, tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đình Phùng chỉ bị ngập sâu khoảng 0,1m. Nguyên nhân gây ngập đường Phan Đình Phùng là do các đơn vị thi công dự án Vệ sinh môi trường thành phố tháo cống cũ để lắp cống mới nên chưa lắp van ngăn triều khiến nước trào lên gây ngập. Tương tự, tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa ngập cũng do đơn vị thi công dự án Vệ sinh môi trường thành phố đang tiến hành đấu nối đường cống. Riêng hẻm 27 Nguyễn Văn Nguyễn do quận quản lý, nhưng trung tâm sẽ sớm rà soát lại để có hướng xử lý.

Cuối năm 2012 mới xong cống ngăn triều

Theo ông Đỗ Tấn Long, về lâu dài, khi cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè đưa vào sử dụng thì các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận sẽ được bảo vệ trước triều cường.Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, giám đốc ban quản lý dự án 1547, thuộc trung tâm điều hành các chương trình chống ngập (đơn vị chủ đầu tư dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè) nói rằng, sau gần mười tháng thi công, công trình cống kiểm soát triều mới hoàn thành khoảng 40% khối lượng công việc. Vì thế, nhanh nhất cũng phải đến đầu tháng 12.2012 công trình mới được đưa vào sử dụng.Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xây dựng ở địa điểm cuối kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (khu vực giáp ranh giữa quận 1 và Bình Thạnh), với tổng vốn đầu tư 291 tỉ đồng. Cống kết hợp trạm bơm tiêu nước, tổng chiều rộng thoát nước của cống là 58m, gồm có tám máy bơm, tổng lưu lượng trạm bơm có thể đạt 48m3/s… Theo giới thiệu, khi hoàn thành, cống sẽ góp phần rất lớn vào việc kiểm soát mực nước triều ở khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, giải quyết căn bản tình trạng ngập nước của khoảng 500ha vùng đất trũng trong tổng số gần 3.400ha tại các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình.

Theo Đào Lê (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm