Ngày 10-5, phát biểu kết luận tại hội nghị phân tích kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, TP.HCM là TP lớn nên về mặt khách quan sẽ có những trở ngại, khó khăn, chuyển biến chậm hơn.
Cần thêm 3 điểm để vươn lên top đầu
Theo ông Võ Văn Hoan, trong hai năm gần đây, chỉ số CCHC của TP có sự chuyển biến tích cực khi xếp hạng thứ 33, tăng ba bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ TP đến cơ sở, cộng đồng và người dân TP.
“Năm nay, các địa phương đều chuyển biến rất mạnh mẽ, có nhiều địa phương bứt phá. TP cũng có chuyển biến mạnh mẽ nhưng vì quá lớn nên không thể nào bứt phá được” – ông Hoan nói và nhìn nhận TP.HCM nhỉnh lên một chút có thể chưa bằng ai nhưng xuống một chút là xuống rất xa.
Do đó, bên cạnh chuyển biến tích cực, TP cần bền vững, ổn định, nỗ lực nhiều hơn và kiên trì hơn với nhiều giải pháp khác nhau hơn.
“So với 92 điểm của Quảng Ninh thì TP.HCM chênh 6 điểm. Nếu chúng ta chỉ cần nỗ lực phấn đấu một nửa số đó thôi thì chúng ta đã đứng ở top 7 - 8 địa phương dẫn đầu, tức chỉ cần 3 điểm thôi là chúng ta có thể vươn lên được” - ông Hoan nói và khẳng định TP còn nhiều cơ hội, dư địa để vượt qua khó khăn và vươn lên.
“Chúng ta đừng quá bi quan và để thực hiện thắng lợi mục tiêu top 15 địa phương dẫn đầu về chỉ số CCHC theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI không phải là một điều gì xa vời nữa” – ông Hoan nói.
Vứt áo cũ để mặc áo mới
Đi sâu vào một số nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm với lãnh đạo TP về thực hiện CCHC. Bởi nơi nào quan tâm CCHC thì mới đạt được kết quả, còn ngược lại thì sẽ không thành công.
“Các đồng chí không đề ra kế hoạch để khắc phục tại đơn vị mình, không tham gia vào thực hiện kế hoạch chung của TP, không tổ chức triển khai tới nơi tới chốn, thiếu kiểm tra, giám sát, đối phó để báo cáo… là trách nhiệm của người đứng đầu” – ông Hoan nói.
Ông đề nghị những mô hình, giải pháp làm có hiệu quả thì phải thống nhất làm trên toàn TP chứ không chỉ theo dạng phong trào.
Theo ông Hoan, TP có nhiều mô hình nhưng bị phân tán. Ai cũng sáng tạo, ai cũng làm tốt nhưng không có đúc kết lại để chọn một mô hình áp dụng chung cho tất cả địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, sự sáng tạo phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì có thể phổ biến, làm ngay chứ không để làm rải rác.
Ông Hoan gợi ý nếu một quận sắp xếp tổ chức bộ máy nội bộ hợp lý thì nên nhân rộng ra, không để “quận này có bộ máy kiểu này, quận kia có bộ máy kiểu kia”. Hay việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng có tình trạng “mỗi nơi làm một kiểu, không kiểu nào giống kiểu nào”.
“Lần này phải vứt chiếc áo cũ, đi theo cái áo mới và cách làm mới chứ không thể đi hai hàng. Kỳ này TP sẽ xử lý, những việc mà TP đã xử lý làm mà đơn vị không làm, than vì lý do này, vì lý do kia, nhiều việc, phải làm hai hệ thống thì xử lý ngay” – ông Võ Văn Hoan nói và đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc này.
Chuyển đổi quy trình giấy thành quy trình số
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính chỉ có một hệ thống là Cổng Dịch vụ công quốc gia liên thông với TP, không có cổng nào khác và không có chuyện “hai hệ thống”.
Bởi mặc dù TP xử lý hồ sơ đạt tỉ lệ 99.9% với cả triệu hồ sơ nhưng đưa lên cổng có vài chục ngàn hồ sơ. Ông Hoan đề nghị có khó khăn về kỹ thuật thì Sở TT&TT sẽ xử lý.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, phải ưu tiên thủ tục trực tuyến toàn trình, không thực hiện quy trình kết hợp vừa số vừa giấy.
Ông Hoan cho biết sắp tới UBND TP sẽ trình HĐND TP thu phí bằng 0 đối với năm loại dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân làm thủ tục. Đồng thời, đề nghị Bưu điện TP.HCM chia sẻ phí chuyển trả hồ sơ về tận nhà với người dân và TP.
Theo ông Võ Văn Hoan, sở, ngành TP phải rà soát quy trình nội bộ, cắt bỏ khâu trung gian. Có những việc không cần mới tới 3-4 phòng cùng ngồi lại mà chỉ cần 1-2 phòng là đủ rồi.
“Chúng ta có tư tưởng mời hết để ngồi nghe nhưng chậm, có phòng không liên quan cũng ngồi, mất thời gian cơ hội mà nói thì có khi nói bậy bạ, loạn ra luôn” - ông Hoan đề nghị chỉ mời cơ quan có thẩm quyền, có liên quan.
Ông Hoan cho rằng phải làm rõ quy trình liên thông, nhất là trách nhiệm giữa các phòng, ban.
“Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, đá banh, đánh võng mà không có ý kiến. Việc không liên quan mình thì nói thẳng không liên quan nhưng lại có ý kiến trớt quớt. Có những người không nói việc của mình mà nói việc người khác”- ông Hoan phân tích và nhấn mạnh phải chuyển đổi quy trình giấy thành quy trình số.
Ông nêu: Hiện nay, giấy chuyển vòng vòng, đi họp còn nhanh hơn ngồi xin ý kiến bằng giấy. Trong một sở mà phải ngồi xin ý kiến bằng giấy, trong khi ngồi làm giấy hết một ngày, người đọc hết một ngày, người xin ý kiến cũng mất một ngày...
Từ đó, ông Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh việc lấy ý kiến cơ quan, đơn vị phải bằng quy trình số.
“Ngay cả tôi với anh Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi – PV) cũng thế, cũng xử lý trên mạng, đi nước ngoài vẫn xử lý được mà. Chúng ta phải làm vậy cho nhanh… chứ còn giấy là còn phức tạp” – ông nói và nhấn mạnh phổ biến 100% chữ ký số trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Đưa cán bộ sở về địa phương
Về phân cấp uỷ quyền theo Nghị quyết 98/2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP sẽ lấy một số chức năng nhiệm vụ của các sở giao về cho địa phương. Ông đề nghị trong năm phải trình cho HĐND TP về vấn đề này và kiểm tra đánh giá việc phân cấp, uỷ quyền trước đây.
“Có thể sẽ đưa cán bộ ở các sở về công tác ở địa phương, cơ sở” – ông Hoan nói.
Đối với việc ban hành văn bản trái pháp luật, ông Võ Văn Hoan cho biết TP không có nhiều văn bản lỗi. Do đó phải ngăn chặn từ đầu vấn đề này, phải tham mưu, thẩm định tốt trước khi trình UBND TP, HĐND TP. Đồng thời, Sở Tư pháp phải tổng kiểm tra, rà soát hết tất cả văn bản trong hai năm gần đây để xử lý.