Sáng 1-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ khảo sát một số dự án trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng.
Chốt tiến độ cảng Liên Chiểu và đường kết nối
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thị sát dự án bến cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Dự án bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng. Giá trị khối lượng thi công hoàn thành đến nay đạt 67%, giá trị khối lượng hợp đồng tương ứng khoảng 1.770 tỉ đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.
Bến cảng Liên Chiểu là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án Tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, khởi công tháng 9-2023. Khối lượng thi công đến nay đạt 33% giá trị hợp đồng.
Tại hiện trường các dự án, Thủ tướng hoan nghênh tiến độ triển khai và đề nghị Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa để hoàn thành hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu và đường kết nối trước ngày 30-8-2025.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng bến cảng Liên Chiểu cần lưu ý theo hướng lưỡng dụng với nhiều công năng, đa lĩnh vực. Ngoài ra cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường, chú trọng đầu tư các dự án kết nối giao thông đến cảng và huy động nguồn lực của các nhà đầu tư.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bến cảng, Thủ tướng cho rằng phải lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực vừa xây dựng, vừa kinh doanh bến cảng đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật.
“Tinh thần là lựa chọn một nhà đầu tư có phương án tốt nhất, chịu trách nhiệm chính, còn nhà đầu tư này có thể phối hợp với các doanh nghiệp khác để triển khai”, Thủ tướng gợi mở.
Thủ tướng cũng đề nghị Đà Nẵng tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng các dự án lớn nêu trên. Cần thiết huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ tham gia các phần việc có thể làm được với tinh thần toàn dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tái định cư, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân bị giải tỏa, đảm bảo nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Lấn biển khoảng 420 ha
Thủ tướng cũng khảo sát khu vực biển Nguyễn Tất Thành (ven vịnh Đà Nẵng), nơi đang được Đà Nẵng nghiên cứu lấn biển (khoảng 420 ha) để làm các phân khu thuộc Khu thương mại tự do.
Việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng đã được Quốc hội “bật đèn xanh” tại điều 13 Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là việc làm mới, khó nhưng khó mấy cũng phải làm và Đà Nẵng phải mạnh dạn, tự tin để làm.
Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Đà Nẵng mà các bộ ngành Trung ương sẽ chung tay góp sức để TP hiện thực hóa Khu thương mại tự do nói riêng, triển khai thành công Nghị quyết 136/2024 nói chung.
Thủ tướng đồng ý về chủ trương Đà Nẵng cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các vấn đề về vật liệu san lấp.
Diện tích đất hình thành sau khi lấn biển cần sử dụng đúng chức năng theo các tiêu chí của Khu thương mại tự do, vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và Quốc lộ 14B (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Nút giao này dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
Thủ tướng chỉ đạo tách thành dự án độc lập, làm nút giao thông khác mức tại đây. Đồng thời giao Đà Nẵng làm chủ đầu tư, vốn đầu tư Đà Nẵng 50%, Trung ương hỗ trợ 50%.