Xe cứu thương của tư nhân đã đóng góp rất nhiều cho nhu cầu vận chuyển người bệnh nhưng vẫn còn một số trường hợp vi phạm trong việc sử dụng đèn, còi ưu tiên khi tham gia giao thông.
Ông Cường cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng, đầu tháng 8-2018, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, chủ trì phối hợp cùng Phòng CSGT, Sở Y tế và nhiều đơn vị khác đã có buổi làm việc để chấn chỉnh về hoạt động của xe cứu thương.
Ý kiến kết luận của buổi làm việc là phải kiểm tra, rà soát danh sách xe cứu thương của các đơn vị quản lý. Trên thực tế, lực lượng CSGT chỉ cấp phép cho 113 xe cứu thương nhưng số liệu của Cục Đăng kiểm thì cao hơn.
“Do trước đây các trung tâm cấp cứu, bệnh viện (BV) không cung ứng đủ xe cứu thương cho nhu cầu người dân nên xe cứu thương tư nhân là một giải pháp hữu hiệu. Nhưng việc hoạt động xe cứu thương có xu hướng vi phạm luật giao thông nên cần phải chấn chỉnh ngay” - ông Cường nói.
Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe cứu thương (chở bệnh nhân từ BV Ung bướu TP.HCM về Hà Tĩnh, đến Khánh Hòa bệnh nhân đã tử vong) và ô tô bốn chỗ xảy ra trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết: Đơn vị này không làm lệnh cho những xe cứu thương bên ngoài chở bệnh nhân về nhà. Theo ông Dũng, khi BV không thể chữa trị cho bệnh nhân nữa thì người nhà tự túc phương tiện.