“Kiên quyết xử lý cưỡng chế, thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật và không để kéo dài đối với các trường hợp đã được giải quyết đúng, phù hợp với quy định nhưng vẫn chây ỳ, chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”. Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của 202 dự án trên địa bàn TP trong năm 2023.
Nhiều hộ xây nhà trên đất nông nghiệp
Dự án trạm xử lý nước thải Liên Chiểu (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) được UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định thu hồi đất từ năm 2011. Địa phương có cam kết hoàn thành GPMB trong năm 2018 nhưng đến nay vẫn còn 20 hồ sơ chưa bàn giao. Điều này khiến cho dự án đang thi công phải tạm dừng để chờ mặt bằng.
Khu du lịch sinh thái Nam Ô còn một hồ sơ đất thổ cư chưa bàn giao. Ảnh: TẤN VIỆT |
Ông Nguyễn Đây, Giám đốc Ban GPMB quận Liên Chiểu, cho hay 6/20 trường hợp này nằm trong lòng kênh, cần thi công trong quý I-2023. Các chủ hộ đề nghị bố trí tái định cư (TĐC) nhưng thuộc trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp sau ngày 1-7-2004 nên theo quy định không thể bố trí. 14 hồ sơ còn lại nằm trong vệt đất dự trữ sẽ giải tỏa trong quý II-2023.
Cạnh đó, dự án kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly còn một hộ chưa bàn giao, cũng xây nhà trên đất nông nghiệp tương tự sáu trường hợp trên. Quận Liên Chiểu đã báo cáo và chờ TP cho ý kiến cuối cùng.
Đây là 2/6 dự án thuộc nhóm I-2018 trên địa bàn quận Liên Chiểu đã có cam kết hoàn thành GPMB năm 2018 nhưng vẫn chưa làm xong. UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất gia hạn tiến độ hoàn thành GPMB cả sáu dự án chậm nhất đến ngày 30-4.
Theo ông Nguyễn Đây, bốn dự án còn lại gồm Khu du lịch sinh thái Nam Ô còn một hồ sơ đất thổ cư. Ban GPMB quận đã trình UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 2. Ngoài ra còn có dự án khu số 1 đô thị Tây Bắc còn hai hồ sơ hiện đã hoàn chỉnh quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Khu TĐC Hòa Hiệp 3 giai đoạn 2 còn năm hồ sơ. Khu TĐC Hòa Hiệp mở rộng phía nam nhà máy nước cũng còn ba hồ sơ xây nhà trên đất nông nghiệp.
Quận, huyện cùng chạy đua
Trong số 202 dự án, Liên Chiểu là địa phương dẫn đầu với 49 dự án, trong đó có sáu dự án kể trên. Ông Nguyễn Đây cho hay quận cố gắng hoàn thành sớm trong thời gian TP giao. Trường hợp nào không chấp hành sẽ có biện pháp xử lý, cưỡng chế theo đúng quy định. Với 43 dự án thuộc nhóm I-2023 và nhóm II-2023 trên địa bàn, quận Liên Chiểu kiến nghị TP sớm ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm để có cơ sở thực hiện công tác GPMB.
UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất gia hạn tiến độ hoàn thành GPMB cả sáu dự án chậm nhất đến ngày 30-4.
Xếp sau quận Liên Chiểu về số dự án cần GPMB trong năm 2023 là huyện Hòa Vang với 46 dự án. Ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban GPMB huyện Hòa Vang, cho hay với các dự án cũ đã đủ hồ sơ, huyện đã có kế hoạch vận động, chi trả, GPMB. Các dự án mới thì phải chờ chủ trương chính sách của TP để triển khai.
“Từ sau tết đến nay chưa gặp gì khó khăn, nhân dân cũng lần lượt lên nhận tiền bồi thường. Trước tết một tháng và sau tết một tháng huyện không thực hiện cưỡng chế. Trường hợp nào làm căng quá mới cho hội đồng cưỡng chế xuống vận động. Hiện chưa có gì quá khó khăn, người dân muốn tăng tiền bồi thường thì huyện vận động giải thích thôi chứ chưa có gì căng lắm” - ông Trần Ngạnh cho hay.
Tại quận Hải Châu, Chủ tịch UBND quận Lê Tự Gia Thạnh cho hay 20 dự án trên địa bàn đã nằm trong kế hoạch thực hiện từ năm 2022. Quận ủy Hải Châu đã chỉ đạo tiếp tục triển khai bởi là công việc thường xuyên. “Khó khăn nhất vẫn là sân Chi Lăng và một số dự án pháp lý chưa rõ ràng nhưng quận vẫn tập trung giải tỏa. Một số trường hợp còn vướng pháp lý nên đang xin ý kiến các ngành liên quan, tinh thần là quyết tâm triển khai theo đúng yêu cầu của UBND TP” - ông Thạnh nói.
Quận Ngũ Hành Sơn cũng có 38 dự án nằm trong kế hoạch GPMB của TP. Theo ông Cao Thanh Hoàng, Giám đốc Ban GPMB quận, 14 dự án nhóm I-2023 quận quyết tâm giải quyết dứt điểm trong năm nay. 24 dự án còn lại sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2023-2024.
Nói về các khó khăn, ông Hoàng cho hay có nhiều nguyên nhân cả khách quan và do một số hộ dân chây ỳ dù đã được giải quyết chính sách đầy đủ. Đơn cử như dự án Đồng Nò (phường Hòa Quý) còn khoảng 50 hồ sơ. Dự án này đang thi công và một số trường hợp cố tình cản trở. Quận đã vận động người dân nếu thấy chính sách bồi thường chưa thỏa mãn thì khởi kiện ra tòa để được giải quyết.•
Xem xét cho mua nhà ở xã hội
Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, các trường hợp nằm trong dự án trạm xử lý nước thải Liên Chiểu và dự án kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly không được bố trí TĐC.
“Bây giờ mua đất nông nghiệp rồi làm nhà trái phép mà bố trí TĐC thì không công bằng với các hộ dân khác. Một số trường hợp cụ thể thì Hội đồng GPMB quận báo cáo đề xuất chứ không có chính sách chung cho việc này, theo hướng là không khuyến khích việc làm không đúng quy định” - ông Chương nói.
Ông Chương cho hay Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã đề nghị TP xem xét hoàn cảnh thực tế của từng hộ để giải quyết cho mua nhà ở xã hội nhằm đảm bảo chỗ ở, ổn định cuộc sống sau giải tỏa. Việc này cũng đảm bảo chính sách an sinh xã hội của TP.