Đà Nẵng chi gần 100 tỉ đồng bảo vệ sinh thái Sơn Trà, Bà Nà

Ngày 29-9, UBND TP Đà Nẵng cho hay vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của TP Đà Nẵng gồm các loài, nguồn gen quý hiếm, giá trị kinh tế cao.

Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của TP.

Một góc bán đảo Sơn Trà. Ảnh: TẤN VIỆT

Cụ thể đến năm 2025, Đà Nẵng giao các ngành rà soát, phê duyệt quy hoạch các phân khu rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học.

Xây dựng lộ trình để nghiên cứu, đề xuất nâng cấp, đầu tư phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên hiện trạng (Bà Nà – Núi Chúa, Sơn Trà, Nam Hải Vân…).

Đến năm 2030, Đà Nẵng thiết lập, đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn được nâng hạng, thành lập mới. Đến năm 2045, Đà Nẵng nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của TP theo hướng trở thành Vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển… theo các tiêu chí quốc gia.

Theo Quyết định 45/2014 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng đến năm 2030, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa có diện tích 30.206,3 ha.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có diện tích 3.871 ha. Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân rộng 3.397,3 ha.

Đến năm 2045, Đà Nẵng đặt mục tiêu có thêm Khu vực vùng lõi của ba khu bảo tồn hiện hữu và vùng biển thuộc Vịnh Đà Nẵng (ước tính 31.404 ha).

UBND TP Đà Nẵng giao Sở NN&PTNT chủ trì dự án bảo vệ và phát triển diện tích 43.722,1 ha hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Đồng thời, thành lập Vườn thực vật tại phân khu phục hồi sinh thái thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa (khoảng 50 ha), thành lập Vườn cây thuốc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với diện tích khoảng 10 ha.

Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án đến năm 2030 khoảng 92 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 43,5 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 48,5 tỉ đồng.

Các nhiệm vụ, dự án chưa được ghi vốn sẽ được kiến nghị bố trí, lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện.

Quan điểm của Đà Nẵng là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tránh xâm hại đến đa dạng sinh học. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển sinh kế cho người dân trong và xung quanh khu bảo tồn.

Xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn, thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm