“Trong quá trình làm thì TP có cả sai sót, khuyết điểm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Vừa rồi có nhiều chuyện đau lòng của TP. Có những tồn tại từ trước và qua giai đoạn phát triển mới nhận thấy được nên tiến hành rà soát lại”, Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói tại buổi họp báo quý 1-2019 diễn ra chiều 24-4.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Rà soát tất cả dự án ven sông Hàn
Buổi họp báo nóng lên với hàng loạt câu hỏi của báo chí liên quan những dự án lấn sông Hàn như Marina Complex... Ngoài ra là những câu hỏi thắc mắc về việc Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị có định hướng rằng bán đảo Sơn Trà sẽ trở thành Khu du lịch Quốc gia…
Theo ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, sau lùm xùm tại dự án Marina Complex, lãnh đạo TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát tất cả dự án tương tự ven sông Hàn, trong đó có rà soát lại pháp lý, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và sẽ có thông báo cụ thể.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay ông đã có văn bản cho tạm dừng dự án Marina Complex. TP sẽ mời các chuyên gia, xem xét việc cản trở dòng chảy, mật độ công trình thế nào, đưa ra thảo luận. Trên cơ sở ý kiến chuyên gia, TP sẽ bàn lại cho cụ thể. Dự kiến khoảng ngày 3-5 đến 7-5 tới sẽ có hội thảo này.
Dự án Marina Complex lấn sông Hàn. Ảnh: LÊ PHI
Về Sơn Trà, ông Trung cho hay Nghị quyết 43 là mang tính định hướng. Trong thỏa thuận của Bộ Quốc phòng với Đà Nẵng thì chỉ cho phép xây dựng tại Sơn Trà từ cao độ 200m trở xuống, trên 200m thì chắc chắn không được khai thác. Ở trong cao độ 200m mà có rừng nguyên sinh thì cũng không được khai thác. “Khu bảo tồn quốc gia Sơn Trà sẽ không mất đi mà được bảo tồn song song với phát triển du lịch”, ông Trung nói.
Ở Khu đô thị Đa Phước liên quan Vũ “nhôm”, ông Trung cho hay cơ quan điều tra Bộ Công an đang điều tra, chưa có kết quả nên khi nào có thì TP mới có cơ sở để đề xuất hướng xử lý.
Đà Nẵng trước viễn cảnh kiện cáo
Cũng tại buổi họp báo, báo chí đặt ra nhiều vấn đề cho thấy lãnh đạo Đà Nẵng có những quyết định tiền hậu bất nhất, như trong vụ ông Dũng “lò vôi” và dự án Marina Complex. Riêng hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, hiện chưa biết số phận thế nào nhưng xuất hiện thông tin họ có cổ đông người nước ngoài và chuẩn bị khởi kiện ra tòa quốc tế. Ngoài ra, việc dừng một số dự án thời gian gần đây đều dựa trên chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Các quyết định này được cho là ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư của TP.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, ngày 22-11-2018, TP ra quyết định xử phạt hai nhà máy thép, chủ yếu vi phạm về môi trường, đình chỉ hoạt động sáu tháng. Đến nay, hai nhà máy vẫn chưa nộp phạt tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Theo quy định, hết sáu tháng tạm dừng thì hai nhà máy có thêm sáu tháng nữa để tiếp tục khắc phục vi phạm. “Sở Xây dựng được giao xây dựng kịch bản ứng phó, cả kịch bản khởi kiện. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi vẫn đang trao đổi với hai nhà máy”, ông Hùng nói.
Nói về ông Dũng “lò vôi”, ông Hùng cho hay Công ty Hằng Hữu Huỳnh của ông Dũng “lò vôi” trong quá trình nghiên cứu ở Đà Nẵng thì có đề xuất một số giải pháp xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường của TP. Trong đó có đề xuất xử lý ô nhiễm hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung bằng công nghệ vi sinh do công ty này tự nghiên cứu ra, đã áp dụng xử lý tại Khu công nghiệp Sóng Thần và thành công.
“Khi làm việc với TP, trước bức xúc của cử tri quận Thanh Khê về hồ Bàu Trảng ô nhiễm, lãnh đạo TP mới đề nghị ông Dũng tiếp cận hồ Bàu Trảng, nghiên cứu xử lý xem được không. Khi khảo sát thì họ thấy ô nhiễm tại hồ Bàu Trảng quá lớn, vi sinh không thể xử lý được nên họ đề nghị tạm dừng”, ông Hùng nói.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo ông Hùng, hiện Sở TN&MT vẫn đang làm việc với ông Dũng “lò vôi” nghiên cứu các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường của TP. “Dư luận nói không cho ông Dũng làm hai hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung thì gần như mất đi 10.000 tỉ, cái này không đúng. Ổng nói vậy không có nghĩa ổng tặng cho TP 10.000 tỉ. Họ thấy không phù hợp thì họ tạm dừng nghiên cứu thôi, vấn đề này rất nhẹ nhàng”, ông Hùng nói.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Đặng Việt Dũng cho hay thời gian qua Đà Nẵng phát triển tốt, cuộc sống người dân tăng lên. Tuy nhiên dư luận cho rằng nhiều chỉ đạo của TP không được nhanh, như lối xuống biển chẳng hạn, liên quan đến quy định pháp luật và phải cân đối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân.
“Phải làm sao đó phát triển bền vững Đà Nẵng, mang lại lợi ích cộng đồng, Đà Nẵng sẽ từng bước điều chỉnh lại những cái trước đây làm chưa phù hợp, đảm bảo điều kiện sống của người dân ngày càng tốt hơn. TP đã, đang và sẽ quyết tâm làm cho được”, ông Dũng nói.
Tại buổi họp báo, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, cho hay Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về vi phạm đất đai tại Đà Nẵng là kết luận mật nên thông tin để truyền tải rất hạn chế. Tuy nhiên Đà Nẵng đang giải quyết những nội dung thuộc Kết luận 2852 quyết liệt, mang lại hiệu quả tốt. “Kết luận 2852 liên quan 20 dự án, nhưng TTCP yêu cầu TP phải rà soát lại tất cả các dự án tương tự, có hàng trăm dự án đã được rà soát. Song song thực hiện Kết luận 2852 thì UBND TP cũng chỉ đạo các sở, ngành liên tục làm việc với TTCP để tháo gỡ, đặc biệt là điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, thu hồi tiền, nộp tiền, giờ đất đai chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp rồi. Một số kiến nghị của TP thì TTCP đã tiếp thu và báo cáo Thủ tướng cho ý kiến cuối cùng”, ông Hùng nói. |