Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ 'zero hộ nghèo'

TP Đà Nẵng được biết đến với nhiều chính sách đột phá chăm lo rất tốt cho người dân như “năm không”, “ba có”, “bốn an”. Để tiếp tục thực hiện các chủ trương lớn nói trên, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình an sinh xã hội đến năm 2025 nhằm hiện thực hóa một Đà Nẵng “zero hộ nghèo”.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (ngoài cùng bên phải) thăm một gia đình chính sách trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: TẤN VIỆT

Sáu lần nâng mức chuẩn hộ nghèo

Trao đổi với chúng tôi về chương trình trên, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, cho hay năm 2000 toàn TP có 850 hộ đói. Sau hai năm tập trung nguồn lực hỗ trợ, TP đã cơ bản xóa hết hộ đói. Từ năm 2002-2009, TP hai lần nâng mức chuẩn nghèo và không còn hộ đói theo chuẩn quốc gia. Đến năm 2009, Đà Nẵng chuyển sang thực hiện mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo”.

Theo ông Hoàng, từ năm 2009 đến 2020, TP đã bốn lần nâng mức chuẩn hộ nghèo. Đà Nẵng đã chọn ra 5.955 hộ có mức thu nhập thấp nhất, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người ốm đau thường xuyên, khuyết tật, đông con (đặc biệt nghèo) để có chính sách, giải pháp đặc thù hỗ trợ riêng.

Hơn 20 năm qua, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu “không có người mù chữ” và chuyển sang “không có học sinh bỏ học”. Ông Hoàng cho hay những năm bắt đầu thực hiện, hằng năm có hơn 600 học sinh bỏ học, con số này giảm dần qua các năm, đến nay còn lại dưới 50 em.

Để thực hiện giúp dân thoát nghèo, Đà Nẵng ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ giải quyết nhà ở cho nhân dân. TP đã xây dựng, đưa vào sử dụng 10.836 căn hộ chung cư, nhà liền kề và ký túc xá tập trung giúp người dân có chỗ ở ổn định.

Khi vấn đề nhà ở cơ bản được giải quyết, Đà Nẵng đẩy mạnh bao phủ việc làm cho người lao động. Trong đó, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 421.000 người lao động, nhờ vậy tỉ lệ người lao động thất nghiệp đến nay giảm xuống còn 3,4% (năm 2006 là 5,06%).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Hoàng cũng cho rằng công tác an sinh xã hội nói chung của TP vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến gia tăng số lượng người nhập cư cơ học vào TP, kéo theo những ảnh hưởng nhất định về nếp sống, an ninh trật tự, sự quá tải của các cơ sở y tế… Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp và đã có những biểu hiện quá tải.

“Đà Nẵng là địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, cùng với sự suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao… đã tác động, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế” - ông Hoàng lý giải.

Chú trọng đến đối tượng yếu thế

Sở LĐ-TB&XH phải phối hợp với các địa phương làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó việc cần thiết nhất hiện nay là hỗ trợ người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là đối tượng yếu thế.

Thời gian tới, Đà Nẵng chú trọng các giải pháp duy trì và giải quyết việc làm, đào tạo, tuyển dụng người lao động phục vụ sản xuất… để cải thiện đời sống người dân.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng LÊ TRUNG CHINH

Phấn đấu 99% người dân tham gia bảo hiểm y tế

Trước những thách thức trên, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, TP sẽ “zero hộ nghèo” còn sức lao động theo chuẩn nghèo của TP Đà Nẵng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình chính sách, đảm bảo không có hộ người có công thuộc hộ nghèo. TP cũng dự kiến đầu tư thêm các trung tâm dưỡng lão, đảm bảo 100% các đối tượng yếu thế được trợ giúp với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cũng theo kế hoạch trên, đến năm 2025, Đà Nẵng có ít nhất 50% lực lượng người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm ít nhất 2,5% lực lượng người lao động trong độ tuổi. Độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99%. Ngoài ra, Đà Nẵng đặt mục tiêu duy trì 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng, để đạt được những mục tiêu đề ra, TP cần nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân. Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng đang tham mưu UBND TP dự thảo nghị quyết các chính sách cho hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 để trình HĐND TP thông qua trong thời gian sớm nhất.

Chương trình “năm không”, “ba có”, “bốn an” là gì?

Chương trình “năm không”, “ba có” và “bốn an” là ba chương trình đột phá của TP Đà Nẵng, sau khi triển khai đã giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội và mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Cụ thể:

- “Năm không” là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của.

- “Ba có” là có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

- “Bốn an” là an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm