Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chuẩn mực của cán bộ, công chức TP Đà Nẵng và quy trình giải quyết hồ sơ cho dân, ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho hay ngoài các quy định cứng nhắc về chuẩn mực ứng xử với người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính thì quan trọng nhất vẫn là nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức đối với công việc.
"Khi những việc mình làm dân không hài lòng thì quan trọng nhất chính bản thân anh phải tự điều chỉnh lại mình. Điều đó sẽ thành kỹ năng, nếp văn hoá giao tiếp với người dân. Làm được cái đó mới là quan trọng, cốt lõi" - ông nói.
Đà Nẵng theo dõi, giám sát cán bộ bằng việc sử dụng các hệ thống công nghệ viễn thông mà cuộc cách mạng 4.0 đang mang lại. Ảnh: LÊ PHI.
Ông Võ Ngọc Đồng cũng cho biết TP Đà Nẵng áp dụng khá nhiều biện pháp để giám sát cán bộ, công chức của mình như ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát, trong đó có cả hệ thống camera.
“Nhìn qua camera thấy vị trí đó trống thì sẽ nhắc nhở anh ngay, để anh đến đứng vị trí trống đó tiếp dân. Ngoài ra, mình cũng có văn bản thường xuyên nhắc nhở, đề nghị các đơn vị bố trí người để tiếp cận trực xử lý hồ sơ cho công dân. Mình giám sát, kiểm tra ngay từ đầu để nhắc nhở, chứ để đến khi bị xử lý kỷ luật thì rất nặng nề”, ông Đồng nói.
Về việc xin lỗi dân và bị luân chuyển nếu nhiều lần trễ hẹn hồ sơ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết các công chức tổ một cửa làm mà trễ hẹn hồ sơ của dân thì buộc phải xin lỗi, tuy nhiên thời gian qua hỗ sơ trễ hẹn của TP rất ít. Sáu tháng vừa rồi trễ hẹn gần 200 hồ sơ nhưng các hồ sơ này đa phần là thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp (chiếm 70%).
Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng khẳng định TP kiên quyết không để việc trễ hẹn xảy ra, nếu hồ sơ trễ hẹn thì phải xin lỗi dân ngay. “Ngay cả tôi, tôi cũng ký ba văn bản xin lỗi. Ví dụ, trễ hẹn hồ sơ khen thưởng của các đơn vị chẳng hạn, họ đến làm đã đầy đủ hồ sơ mà trong 10 ngày không trả kết quả thì mình phải làm văn bản xin lỗi”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, khi xin lỗi dân thì các đơn vị phải lý giải vì sao trễ hẹn để dân biết. “Việc xin lỗi người dân cũng chính là minh bạch hoá, công khai với dân việc làm của mình và mong họ chia sẻ, vì việc đó là ngoài ý muốn chứ không phải do động cơ xấu xa để ngâm hồ sơ”, ông Đồng phân tích.
Ông Đồng cũng nói thêm, một hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị thì sẽ có quy định thời gian giải quyết cụ thể của từng sở, ngành. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở liên quan quy định thời gian rõ ràng.
Ví dụ, hồ sơ này qua sở A là 2 ngày, sở B là 3 ngày và sở C là 4 ngày… thì chốt lại với nhau. Nếu cộng lại là 14 ngày chẳng hạn thì phải thống nhất 14 ngày trả hồ sơ cho dân. Rồi từ đó tham mưu cho UBND TP ra văn bản thống nhất hồ sơ đó phải 14 ngày buộc anh phải làm.
“Ngoài ra, Sở Nội vụ có công cụ phần mềm, nếu sở A làm xong thì bấm là hồ sơ đã qua sở B. Vì vậy Sở quản lý được đường đi của hồ sơ nên anh không thể nói dối được. Chúng tôi biết hồ sơ đó đang nằm ở đâu nên đến thời hạn mà chưa xử lý kịp cho dân sẽ biết ngay. Vì có sự giám sát như vậy nên anh phải thực hiện đúng quy định”, ông Đồng chia sẻ.
Cũng theo ông Đồng, Sở Nội vụ còn giám sát việc giải quyết hồ sơ cho người dân qua các đơn thư phản ánh bằng các email hoặc qua điện thoại. Các đơn thư phản ánh của người dân trên trang góp ý của TP tại Trung tâm thông tin dịch vụ công TP, Tổng đài 1022 sẽ được gửi về email của Giám đốc Sở Nội vụ TP để giám sát.
“Đơn thư phản ánh, hồ sơ của người dân sẽ được gửi về email của tôi nên có thể giám sát được việc cán bộ sở nào chậm trễ hồ sơ”, ông Đồng cho hay.