Sáng 14-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, TP tại Việt Nam (PCI).
Bình Dương trở lại ấn tượng
Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí “dẫn đầu” trong số các tỉnh, TP của Việt Nam trên bảng xếp hạng PCI. Năm thứ tư liên tiếp và lần thứ bảy trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, TP này được các doanh nghiệp vinh danh là quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Điểm số của Đà Nẵng cũng lần đầu tiên bứt phá lên mức 70 điểm kể từ năm 2010.
Đà Nẵng lần thứ 7 đoạt ngôi vương PCI
Bảng xếp hạng PCI 2016 chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI. Trong khi đó, Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, TP đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.
Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương trong nhóm năm tỉnh, TP đứng đầu. Nhìn lại lịch sử PCI, trong ba năm đầu đánh giá chỉ số này, Bình Dương liên tục dẫn đầu. Tám năm sau đó, điểm số Bình Dương rơi liên tục và dừng lại ở mốc 58 điểm, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành Khá. Năm nay, với 63,57 điểm, Bình Dương đã trở lại góp mặt trong nhóm Rất Tốt, xếp vị trí số 4, tăng đến 21 bậc trên bảng xếp hạng.
Theo VCCI, kết quả này đến từ những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, theo hướng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp của Bình Dương thời gian qua. Đặc biệt, với trung tâm hành chính công tập trung hoạt động hiệu quả, Bình Dương đã cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhanh chóng và thân thiện. Các cuộc đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp được tổ chức dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, vai trò hiệp hội doanh nghiệp được đề cao.
“Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp” đã giảm đáng kể từ 76% năm 2014 xuống còn 52% của năm 2016; tỉ lệ doanh nghiệp “không phải đi lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục” đã tăng mạnh từ 56% năm 2014 lên 70% năm 2016. Và tỉ lệ doanh nghiệp cho biết “thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực” đã lên tới 45%, cao đáng kể so với con số 36% của năm trước đó” - báo cáo PCI nêu.
Hà Nội, TP.HCM bớt gây phiền hà
Theo PCI năm nay, Hà Nội đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần năm rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Những nỗ lực này bước đầu được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thể hiện rõ nhất ở chỉ số thành phần Chi phí thời gian và chi phí không chính thức (lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm so với năm trước đó).
Cụ thể, 53% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký”, tăng đáng kể so với con số 49% (năm 2015) và 38% (năm 2014). 49% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, tăng mạnh so với năm 2015 (36%). Trong năm 2016, tỉ lệ cho biết “tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp là phổ biến” đã giảm ấn tượng từ 78% (2015) xuống còn 69% (2016).
TP.HCM mặc dù điểm số PCI tăng 0,36 điểm nhưng thứ hạng lại giảm 2 bậc, đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng PCI 2016, do một số tỉnh khác như Bình Dương, Vĩnh Long có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.
TP.HCM mặc dù chỉ số PCI tăng nhưng do Bình Dương, Vĩnh Long cải thiện mạnh mẽ, nên bị tụt hai bậc
Điểm số PCI của TP.HCM tăng chủ yếu nhờ những bước tiến trong đánh giá của doanh nghiệp về chỉ số gia nhập thị trường (số ngày đăng ký doanh nghiệp qua điều tra giảm ba ngày so với năm trước đó). Chi phí không chính thức (doanh nghiệp nhìn nhận hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho doanh nghiệp đã giảm từ 76% năm 2015 còn 64% năm 2016) và các nỗ lực cải cách TTHC, tăng cường sự thân thiện của cán bộ.
Mặc dù vụ việc quán cà phê Xin Chào kết thúc “có hậu” nhưng điều tra PCI 2016 cũng cho thấy các doanh nghiệp tại TP.HCM chưa thực sự an tâm về sự an toàn pháp lý ở TP: Chỉ số Thiết chế pháp lý của TP.HCM giảm từ 5,03 điểm năm 2015 xuống còn 4,24 điểm của năm 2016, trong đó chỉ 26% doanh nghiệp cho biết “Hệ thống pháp luật luôn có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ” giảm đáng kể từ mức 34% năm 2013.