Đó là thông tin được ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) nêu tại Hội nghị triển khai sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra chiều 24-4, tại TP Đà Nẵng.
Hết "lạm phát" cấp phó?
Ông Đồng cho hay đối với đơn vị sự nghiệp y tế có giường bệnh, có số lượng người làm việc từ 150 người trở lên được thực hiện không quá ba cấp phó. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có trên 150 người, phạm vi hoạt động trải rộng ở nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì chủ tịch UBND TP xem xét cụ thể, tuy nhiên không quá ba cấp phó/đơn vị.
Đối với cấp phó phòng trực thuộc và tương đương, thực hiện không quá hai cấp phó/phòng (tương đương). Trong đó, phòng có từ bảy người trở xuống thì bố trí không quá một cấp phó. Trường hợp đơn vị có số lượng người làm việc dưới 20 người, xét thấy cần thiết thì bố trí cấp phó phòng.
Ông Võ Ngọc Đồng cho biết số cấp phó trong một đơn vị sự nghiệp công lập không được quá ba người
Số lượng cấp phó phòng phải đáp ứng được các điều kiện: Tổng số viên chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong từng đơn vị sự nghiệp công lập, từng phòng kể cả người đứng đầu không được quá 30%. Trường hợp cần thiết phải bố trí thêm một cấp phó thì phải đảm bảo tổng số viên chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không được quá 30% tổng số viên chức, người lao động toàn đơn vị.
Trong thời gian sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập mới (do sát nhập, hợp nhất, tổ chức lại) cao hơn không quá 1,5 lần số lượng quy định đối với đơn vị được sắp xếp từ ba đầu mối trở xuống và không quá hai lần so với số lượng quy định đối với đơn vị được sắp xếp từ bốn đầu mối trở lên.
Khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung. Đồng thời phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa ba năm kể từ ngày sát nhập, hợp nhất, tổ chức lại.
Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.
Hạn chế "người làm thì ít, người chơi thì nhiều"
Theo ông Đồng, đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do UBND TP Đà Nẵng quản lý giai đoạn 2018-2021, quy định rất chặt chẽ cơ cấu tổ chức, số lượng lãnh đạo, quản lý và bộ phận gián tiếp, hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, quy định tỉ lệ người làm công tác quản lý chuyên môn, người lao động trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ đạt ít nhất 65% trên tổng số viên chức, lao động của đơn vị sự nghiệp công lập. Còn tỷ lệ người làm việc vị trí hỗ trợ, phục vụ chiếm tối đa 35%.
Về cơ cấu tổ chức, đối với các đơn vị có 20 người trở xuống thì được thành lập tối đa hai phòng. Các đơn vị có trên 20 người thì số lượng phòng chức năng chuyên môn, nghiệp vụ phải chiếm ít nhất 2/3 tổng số phòng. Còn lại là các phòng gián tiếp như Văn phòng, Hành chính-Tổng hợp, Tổ chức-Hành chính, Kế hoạch-Tài chính…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
Ngoài ra, số người làm việc bình quân tối thiểu trong các phòng phải đảm bảo từ bảy người trở lên.
“Việc này tránh việc người làm thì ít mà người chơi thì nhiều. Nhiều khi tình trạng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên cũng là từ chỗ này đây. Vừa rồi báo chí nói nhưng nhiều khi do quy định của Trung ương, mình chỉ là người tổ chức thực hiện, cuối cùng ổng cứ la làng tại sao mà lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên” - ông Đồng nói.
“Ví như Sở KH&CN, ông nói biên chế khoảng 28 người mà thành lập tới 10 phòng thì làm sao mà lãnh đạo không nhiều hơn chuyên viên được. Một Sở có giám đốc và ba phó đã là bốn người rồi. Mà có tới 10 phòng, chưa nói là trưởng phòng, phó phòng chỉ có hai người, tính ra đã là 24 biên chế rồi. Tuy nhiên, việc này không phải chỉ có ở Đà Nẵng mà các tỉnh khác cũng vậy. Báo chí cứ "đè" Đà Nẵng ra nói nhưng thực tế là tỉ lệ lãnh đạo của Đà Nẵng so với các tỉnh và Trung ương là ít hơn” - ông chia sẻ.