Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế nỗ lực phục hồi sau dịch

“3 địa phương, 1 điểm đến” là khẩu hiệu du lịch nổi tiếng từ khu vực Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên-Huế. Đợt bùng phát thứ hai của đại dịch COVID-19 từ cuối tháng 7 vừa rồi đã khiến đời sống du lịch của ba tỉnh này bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hiện, bộ ba du lịch miền Trung đang cùng nhau gượng dậy bằng tất cả sức lực của mình để vượt qua một năm đầy gian khó, trong điều kiện “bình thường mới”.

“3 địa phương, 1 điểm đến” lao đao

Ghi nhận tại TP Hội An, du khách lác đác, đường phố vắng vẻ. Nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn chưa thể ấm lên. Tính đến nay, du khách quốc tế đến Hội An chỉ đạt 20,74% so với cùng kỳ, công suất phòng chỉ 17%, doanh thu toàn ngành chỉ 722,5 tỉ đồng (bằng 20% so với cùng kỳ).

Tại Đà Nẵng, khắp các khách sạn ven biển chung cảnh vắng vẻ, nhiều nơi mở cửa chủ yếu để bắt đầu lấy lại không khí hoạt động. Chị Lan Hương, chủ một khách sạn trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà), cho hay khách sạn mở cửa lại từ vài ngày trước nhưng rất hiếm khi có du khách.

Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho hay nơi này mở cửa trở lại từ ngày 21-9 nhưng chỉ có người dân địa phương lên chùa thắp hương, chưa có khách du lịch. Đây cũng là tình trạng chung của các điểm du lịch lớn trên địa bàn Đà Nẵng những ngày này.

Ngược ra đất cố đô, dù không có ca COVID-19 trong cộng đồng nhưng Thừa Thiên-Huế bị kẹp giữa ba địa phương có người nhiễm là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị nên cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực về du lịch.

Sau đợt dịch thứ nhất, tỉnh này triển khai nhiều gói kích cầu nhằm khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó có việc giảm 50% giá vé tham quan các di tích, tăng cường các chương trình biểu diễn miễn phí tại Đại nội Huế, tổ chức các lễ hội ẩm thực, áo dài, ngày hội lân…

Chưa kịp vui mừng, đợt dịch thứ hai tiếp diễn, nhiều chương trình phải hủy, lùi thời gian. Du lịch Thừa Thiên-Huế tiếp tục những ngày vô cùng khó khăn. Thống kê cho thấy tính đến tháng 9, tổng lượng khách đến Thừa Thiên-Huế đạt 1,4 triệu lượt, giảm 2,6 lần so với năm 2019.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay du lịch tỉnh này không đóng cửa trong đợt dịch vừa qua. Các hoạt động đều diễn ra bình thường. Tuy vậy, Thừa Thiên-Huế cùng với Hội An và Đà Nẵng cùng nằm trong chuỗi “3 địa phương, 1 điểm đến” nên chịu chung cảnh nguồn khách sụt giảm.

Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng tặng quà cho đoàn du khách đầu tiên trở lại du lịch thành phố sau dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Nỗ lực kéo du khách trở lại

Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, những nội dung của đề án phục hồi du lịch đưa ra từ tháng 5 vẫn phải tiếp tục triển khai. Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang xây dựng thêm các gói kích cầu, ưu tiên khách nội địa và khách nội tỉnh du lịch ngay tại địa phương.

“Từ nay đến năm 2021, chúng tôi sẽ quảng bá miễn phí cho doanh nghiệp (DN). Hiện nhiều DN đã gửi nội dung và hình ảnh đến sở. Nếu các DN không xây dựng được nội dung thì sở cử người đến chụp ảnh, quay phim và dựng miễn phí, giúp DN giảm chi phí” - ông Giang cho hay.

Ông Giang cho biết thêm tỉnh có một lượng khách quốc tế đa dạng và bền vững, không tập trung vào một thị trường nào. Nhưng do COVID-19 vẫn hoành hành trên toàn cầu nên trong những tháng cuối năm, Thừa Thiên-Huế chỉ đặt mục tiêu đạt nửa lượng khách so với năm trước.

Theo bà Lương Thúy Hà, Giám đốc Hội An Beach, trong thời gian này các DN cần làm việc với đối tác nước ngoài để nắm bắt nhu cầu và có sự chuẩn bị. “Hội An là địa phương đặc biệt. Ngoài khách nội địa, chúng ta cần có sự chuẩn bị dài hạn cho khách châu Âu. Khi có vaccine, các nước họ cũng sẽ quảng bá, chuẩn bị bài bản thu hút khách. Hội An cần phải có giải pháp ngay từ bây giờ, tạo ấn tượng mạnh mẽ khi du khách chưa biết đi đâu” - bà Hà cho hay.

Các chủ DN du lịch tại Hội An cũng chung quan điểm cần đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm. Bởi các nước trong khu vực hoạt động về đêm rất sôi nổi, nhu cầu tiêu dùng ban đêm phong phú. Do đó, Hội An cần quy hoạch khu phục vụ khách về đêm.

16.000 tỉ đồng là tổng số vốn đầu tư của sáu dự án trong nước mà Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư trong chín tháng đầu năm 2020 (tăng hai dự án, gấp 4,93 lần số vốn so với cùng kỳ).

Giải ngân vốn đầu tư công ở Đà Nẵng được tập trung chỉ đạo, đôn đốc, ước đạt 5.018 tỉ đồng, tăng 2.634 tỉ đồng (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ), bằng 40,7% kế hoạch TP giao, 65,6% kế hoạch trung ương giao. 

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay hậu quả mà COVID-19 để lại đặt ra nhiều vấn đề cho cả chính quyền TP, cộng đồng DN và người dân. Đối với Hội An, ngoài du lịch - dịch vụ cũng cần tính đến các ngành kinh tế khác để giảm thiệt hại, duy trì phát triển kinh tế.

“Thời gian tới, Hội An sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch. Dù khó khăn nhưng năm tới dự kiến sẽ khởi công, hoàn thiện nhiều công trình, quy hoạch các khu đón tiếp phục vụ du khách” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, Hội An sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới, nâng cấp sản phẩm du lịch đã có và xúc tiến đầu tư sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, Hội An định hướng xây dựng nông nghiệp nghệ thuật, nông nghiệp sắp đặt. Hội An không chỉ làm ruộng để lấy lúa mà còn phải làm ruộng để phục vụ du lịch.

Tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho hay chính quyền TP sẽ làm việc với các công ty, đơn vị, nhà đầu tư du lịch để có sự giảm giá. Yêu cầu các đơn vị lữ hành, lưu trú cũng có những chính sách kích cầu rõ ràng.

“Đà Nẵng sẽ phối hợp với các địa phương để kích cầu, kêu gọi du lịch nội thành, du lịch trong nội vùng của mình. Kêu gọi người dân Đà Nẵng tăng cường trải nghiệm những sản phẩm du lịch ngay tại TP. Các cơ sở đang giảm giá nên đây cũng là cơ hội để mình đi” - ông Chinh cho hay.

Theo ông Chinh, từ nay đến cuối năm khi thị trường du lịch bắt đầu mở ra, Đà Nẵng sẽ lại đón du khách nước ngoài dù không nhiều. Do vậy TP cần chú trọng phát triển thêm một số loại hình như kinh tế đêm, phố đi bộ, chợ đêm… để phát triển lâu dài.

Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 23 vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu TP phấn đấu giảm thấp nhất mức tăng trưởng âm trong năm 2020.

Theo ông Nghĩa, Đà Nẵng phải triển khai nhanh kịch bản khôi phục các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thị trường bất động sản, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế đêm…

“Đà Nẵng cũng cần tái cơ cấu ngành du lịch. Trước mắt, tập trung thu hút khách nội địa, phát triển đa dạng các thị trường khách quốc tế, tập trung vào khách có tiềm năng lớn, đẳng cấp cao hơn” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bung nhiều giải pháp lấy lại đà tăng trưởng

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định: TP sẽ tạo ngay các điều kiện để các ngành sản xuất nhanh chóng hồi phục, đồng thời kích cầu, khởi động lại ngành du lịch. Đà Nẵng cũng sẽ đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ một số khó khăn trước mắt cho DN. Cùng với đó là rà soát hết tất cả nhiệm vụ được giao năm 2020 để đánh giá xem đã làm đến đâu nhằm đôn đốc triển khai thực hiện. Tiếp đồng thời, TP đã có kịch bản cụ thể cho vấn đề phòng, chống dịch và yêu cầu cả hệ thống chính trị không được phép lơ là. Cuối cùng là Đà Nẵng giải quyết khẩn trương các hỗ trợ đối với người khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh việc thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khôi phục thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh. Từ đó Đà Nẵng sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, phấn đấu giảm thấp nhất mức tăng trưởng âm trong năm 2020, tạo tiền đề thuận lợi thực hiện các mục tiêu trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Quảng cho hay trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2020 “Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cam kết, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, triển khai các cơ chế chính sách, giải pháp đối với DN. Trong đó, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm.

Đà Nẵng cũng sẽ kịp thời cân đối thu chi ngân sách; triệt để tiết kiệm dành nguồn lực chi đầu tư phát triển. Một điểm đáng chú ý khác là đề xuất chủ trương nghiên cứu đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Ngoài ra, để lấy lại đà tăng trưởng, Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh xúc tiến triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cam kết đầu tư như: Dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort, khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại; vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp Danang Gateway, khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Đà Nẵng cũng sẽ tập trung triển khai có kết quả dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn, tuyến đường vành đai phía tây TP, đường ĐH2, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan; đôn đốc các dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Song song đó, TP tiếp tục đẩy nhanh xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin; khởi công dự án Khu công viên phần mềm số 2; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phần mềm; tập trung triển khai Đề án thành phố thông minh. Đồng thời, ban hành và triển khai nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ, xử lý quyết liệt các vướng mắc liên quan thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của trung ương. Đây cũng là một trong những trở ngại thời gian qua làm cho sự phát triển của TP bị chững lại.

Để vực dậy kinh tế, Đà Nẵng sẽ phải tập trung phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Triển khai thí điểm quy hoạch, tái thiết đô thị một số khu vực trung tâm TP. 

TẤN VIỆT 

Đà Nẵng đón đoàn khách đầu tiên sau 2 tháng tạm dừng

Sáng 4-10, Đà Nẵng đón đoàn khách đầu tiên sau gần hai tháng hoạt động du lịch của TP bị tạm dừng bởi dịch COVID-19.

Đoàn gồm 55 người từ Hà Nội hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 9 giờ 35 cùng ngày. Đây là sự kiện quan trọng đối với Đà Nẵng và ngành du lịch nói chung, khẳng định sự nỗ lực của toàn ngành trong công tác phòng dịch COVID-19.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hãng hàng không Vietnam Airlines tại miền Trung tham gia đón và tặng quà lưu niệm cho đoàn du khách.

Bà Mai Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết ngành du lịch Đà Nẵng đã ban hành bộ tiêu chí an toàn. Đồng thời, TP yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cam ký kết thực hiện để đảm bảo cho du khách có một chuyến trải nghiệm an toàn và khó quên.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã đề ra ba giải pháp chính để tập trung triển khai thời gian tới. Thứ nhất là hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch, đảm bảo giữ môi trường du lịch an toàn cho du khách. Thứ hai là triển khai kế hoạch truyền thông về du lịch Đà Nẵng phù hợp với từng giai đoạn. Cuối cùng là phối hợp với Hiệp hội Du lịch để liên kết các nhà cung ứng dịch vụ du lịch đưa ra nhiều gói sản phẩm mới.

Từ nay đến cuối tháng 10, Sở Du lịch TP Đà Nẵng phát động chiến dịch #Danang miss you - Đà Nẵng nhớ bạn. Từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, Đà Nẵng tiếp tục phát động chiến dịch #Danangisback với mục tiêu nhấn mạnh thông điệp Đà Nẵng đã sẵn sàng đón du khách trở lại.

TÂM AN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm