Ngày 16-2, tin từ UBND TP Đà Nẵng cho biết Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) đã báo cáo kết quả cuối cùng của nghiên cứu tiền khả thi Dự án phát triển cảng Liên Chiểu với lãnh đạo TP.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là dự án trọng điểm, có vai trò quyết định đối với sự phát triển chung của Đà Nẵng trong tương lai và khu vực phía Tây và Tây Bắc nói riêng.
Sau khi xây dựng, cảng Liên Chiểu sẽ thay thế dần cảng Tiên Sa. TP chủ trương phát triển công suất hàng hóa tối đa thông qua cảng Tiên Sa chỉ dừng ở mức 10 triệu tấn/năm. Vì nếu vượt ngưỡng đó thì hạ tầng giao thông của TP sẽ không đáp ứng nổi.
Cảng Tiên Sa sẽ rút dần vai trò vận chuyển hàng hóa để trở thành cảng du lịch. Ảnh: LÊ PHI
Chính vì vậy, TP phải gấp rút đầu tư và đến năm 2022 phải có cảng Liên Chiểu để có thể tiếp nhận lượng hàng hóa gia tăng từ cảng Tiên Sa.
Được biết cảng Liên Chiểu giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container, trong khi đó cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch.
Về nguồn lực đầu tư, dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Cụ thể, phần đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng sẽ được triển khai từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có cân nhắc khả năng vay vốn ODA. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến dự kiến sẽ huy động đầu tư từ nguồn vốn của tư nhân.
Được biết tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án 2a của JPC đề xuất là 5.581 tỉ đồng (bao gồm Nhà nước đầu tư 2.792 tỉ đồng và tư nhân đầu tư 2.788 tỉ đồng). Trong khi đó, phương án do TediPort đề xuất có tổng mức đầu tư là 7.913 tỉ đồng (bao gồm Nhà nước đầu tư 3.983 tỉ đồng và tư nhân đầu tư 3.930 tỉ đồng).