Điều đặc biệt, đây là dự án đã từ chối vốn vay ODA gây cho dư luận nhiều thắc mắc trong thời gian qua.
Theo đó, dự án này được xây dựng trên tổng diện tích 86.674 m2 với tổng chiều dài cầu cảng 530 m, bao gồm ba cầu cảng chuyên dùng cho hàng container. Dự kiến dự án xây dựng cảng Tiên Sa giai đoạn II sẽ hoàn thành vào tháng 3-2019.
Theo Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, sau khi dự án đưa vào sử dụng thì cảng Tiên Sa sẽ có tám cầu cảng, trong đó có bảy cầu cảng chuyên phục vụ tàu chở hàng hóa tổng hợp và tàu container. Sau năm 2019, năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng sẽ đạt khoảng 12 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bên cạnh đó, cảng Tiên Sa sẽ có một cầu cảng chuyên phục vụ tàu du lịch có khả năng tiếp nhận 200 tàu du lịch với 200.000 du khách/năm.
Cảng Tiên Sa vẫn sẽ tăng năng lực bốc xếp hàng hóa lên 12 triệu tấn/năm sau khi từ chối vốn vay ODA. Ảnh: LÊ PHI
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho hay ba cầu cảng mới được xây dựng ở giai đoạn II sẽ được nạo vét đạt mức nước sâu đến 14 m, đủ sức tiếp nhận tàu container có tải trọng lên đến 75.000 tấn.
Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, tại cuộc họp đồ án quy hoạch kiến trúc TP Đà Nẵng với các sở, ban ngành diễn ra vào sáng 27-3-2015, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, đã rất bất ngờ khi tuyên bố sẽ tự huy động vốn và từ chối nhận nguồn vốn ODA của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật). Sự việc khiến dư luận sửng sốt vì trong khi tất cả các dự án đều “thèm” ODA thì Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng từ chối.
Thời điểm đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Sia cho biết dự án này đúng ra sẽ vay vốn ODA của Nhật tài trợ “nhưng xét thấy là một công ty cổ phần, bản thân chúng tôi thấy có thể tự huy động vốn được cho nên chúng tôi sẽ tự làm dự án này”.
Lễ khởi công diễn ra vào sáng nay. Ảnh: LÊ PHI
Lo ngại trước việc dự án sẽ không được tiến hành làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của TP, tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Tính toán này là việc của các anh. Nhưng các anh đã từ chối ODA thì các anh phải bảo đảm đủ tiền để đầu tư. Chứ với tốc độ cảng tăng trưởng 10%-20% như hiện nay thì khoảng 5-6 năm nữa là lên tới 10 triệu tấn/năm. Khi đó sẽ không có đường đâu mà chạy nữa hết”.
Cũng theo ông Thơ, việc từ chối nguồn vốn vay ODA của Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đã gây mất lòng rất lớn và ảnh hưởng khá nghiêm trọng mối quan hệ giữa TP Đà Nẵng với JICA.
“Do đó, anh Sia phải có cam kết nếu không làm được cảng này mà để xảy ra bế tắc là anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chẳng ai cho anh vay được 1.000 tỉ đồng để làm hết nếu cuối cùng anh bỏ lại đó là không được. Cho nên tôi lưu ý cảng phải có trách nhiệm với TP. Nếu không làm được thì TP cũng “chết” luôn” - ông Thơ nhấn mạnh.
Trước yêu cầu của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Sia cam kết: “Báo cáo anh Thơ là tôi cũng dũng cảm để nói rằng cá nhân tôi theo đuổi dự án mà do thiếu vốn không làm được thì tôi xin từ chức”.