Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 14-1 về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, cho hay: “Mục đích của TP Đà Nẵng là xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực đóng vai trò trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế. Một hệ thống hoạt động hiệu quả sẽ giúp phát triển tài chính theo chiều sâu, tăng trưởng và tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại và năng động”.
Ngoài ra, tại các văn bản gửi trung ương, TP Đà Nẵng cũng đề xuất một số lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu đất được Đà Nẵng quy hoạch cho dự án Đà Nẵng Gateway với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD. Ảnh: TẤN VIỆT
Siêu dự án 2 tỉ USD
Theo ông Phụng, TP Đà Nẵng đã đề xuất xây dựng đề án bao gồm các dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào dự án khu phức hợp trung tâm tài chính - thương mại - vui chơi giải trí - casino và chung cư cao cấp (Đà Nẵng Gateway). Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích đất khoảng 8,4 ha tại đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) với vốn đầu tư khoảng 47.000 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) huy động của các nhà đầu tư. “Đề xuất chủ trương lập đề án Đà Nẵng là trung tâm tài chính quy mô khu vực là có cơ sở” - Bộ KH&ĐT nhận định.
Theo Bộ KH&ĐT, đề xuất của TP Đà Nẵng phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 43/2019 của Bộ Chính trị, trong đó xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 128/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Chính phủ cũng giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng nghiên cứu cơ chế, xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, đề xuất của TP Đà Nẵng cũng phù hợp với kết luận của Thủ tướng tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, TP vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.
Bộ KH&ĐT cũng cho rằng đề án này phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng với 24 năm là TP trực thuộc trung ương và là đô thị loại I cấp quốc gia.
“Đà Nẵng có tiềm năng về vị trí là trung tâm kết nối, đầu tàu kinh tế vùng miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Dân số có trình độ cao, nguồn lao động dồi dào với mạng lưới hơn 25 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn” - Bộ KH&ĐT cho hay.
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang hoàn tất thủ tục trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/500 cho dự án Đà Nẵng Gateway. Sau khi điều chỉnh quy hoạch xong mới đo đạc, hoàn tất thủ tục để trình phương án đấu giá trước khi triển khai. Bà TRẦN THỊ THANH TÂM, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng |
Dự kiến đến năm 2030, sân bay Đà Nẵng sẽ được mở rộng với công suất đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm. Ảnh: BÙI TOÀN
Phải xin ý kiến Bộ Chính trị về casino
Bộ KH&ĐT nhận định Việt Nam có múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Ngoài ra, Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với tốc độ tăng trưởng và quy mô GRDP/đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước (đứng thứ 8/63 địa phương về mật độ kinh tế, đứng thứ 9/63 địa phương về nguồn thu ngân sách).
“Đà Nẵng được định hướng phát triển thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, TP đáng sống có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ về đường biển, đường bộ và đường hàng không. Có khoảng cách ba giờ bay với các nền kinh tế năng động như Bangkok, Malaysia, Singapore, Hong Kong…” - Bộ KH&ĐT cho hay.
Cùng với đó, trong điều kiện bình thường, sân bay quốc tế Đà Nẵng hoạt động với gần 500 chuyến bay quốc tế mỗi tuần, được khai thác với 25 hãng hàng không, kết nối với 35 TP của chín quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến đến năm 2030, sân bay Đà Nẵng sẽ được mở rộng với công suất đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý một số vấn đề trong đó có đề xuất liên quan đến triển khai dự án có casino. Ngoài việc phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương thì việc quản lý hoạt động kinh doanh cũng như các địa điểm được phép kinh doanh casino đều phải báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
Do đó, đối với đề xuất đầu tư dự án casino và các cơ chế đặc thù khác cần phải được nghiên cứu kỹ và kiến nghị trong đề án xây dựng trung tâm tài chính để trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Từ những luận điểm trên, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Đà Nẵng lập đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực. Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Đà Nẵng nghiên cứu và thuê tư vấn (ưu tiên tư vấn quốc tế) để lập đề án bao gồm các đề xuất về các cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực; lựa chọn nhà tài trợ và đơn vị tư vấn để xây dựng đề án theo đúng quy định.
2 nhà đầu tư đề nghị tài trợ nghiên cứu đề án Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho biết hiện có hai nhóm nhà đầu tư từ Singapore và Mỹ đề nghị được tài trợ cho việc nghiên cứu đề án Đà Nẵng Gateway. Trong đó, nhóm nhà đầu tư Singapore đề nghị tài trợ toàn bộ kinh phí thực hiện đề án nghiên cứu khả thi trung tâm tài chính thông qua hình thức hợp đồng ba bên. Cụ thể là giữa UBND TP Đà Nẵng, liên danh các nhà đầu tư và Bộ Phát triển quốc gia Singapore. Còn nhóm nhà đầu tư Mỹ đề nghị tài trợ toàn bộ chi phí thuê tổ chức tư vấn tài chính quốc tế và các chuyên gia trong nước để xây dựng đề án Trung tâm tài chính Đà Nẵng. Sau khi Thủ tướng thống nhất chủ trương, TP Đà Nẵng sẽ phối hợp với các nhà đầu tư triển khai lựa chọn nhà tài trợ và đơn vị tư vấn để xây dựng đề án. “Trường hợp không lựa chọn được nhà tài trợ phù hợp, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức thuê tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đề án từ nguồn vốn ngân sách địa phương” - Sở Tài chính TP Đà Nẵng thông tin thêm. |